Công ty Cổ phần FPT (FPT): Mức định giá phản ánh câu chuyện tăng trưởng năm 2024-2025 và cập nhật ĐHCĐ năm 2024

                                                                                                      Nguồn: SSI

Mức định giá phản ánh câu chuyện tăng trưởng năm 2024-2025 và cập nhật ĐHCĐ năm 2024

 

 

 

Thông tin cập nhật:
 
Công ty đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 10/4/2024. ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch năm 2024 về doanh thu và LNTT lần lượt là 61,9 nghìn tỷ đồng (tăng 17,5% svck) và 10,9 nghìn tỷ đồng (tăng 18,2% svck). Bên cạnh đà tăng trưởng ấn tượng của mảng CNTT nước ngoài, FPT đặt kế hoạch tiếp tục mở rộng mảng giáo dục trong giai đoạn 2024-2025, cũng như khả năng phục hồi mảng quảng cáo trực tuyến, với mức tăng trưởng dự kiến từ mức nền so sánh thấp trong năm 2023. FPT cũng có kế hoạch ra mắt trung tâm dữ liệu mới vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 và kỳ vọng biên lợi nhuận của mảng CNTT trong nước sẽ cải thiện thông qua hệ sinh thái Made-by-FPT. Ngoài ra, ĐHCĐ cũng thông qua phương án cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 2.000 đồng/cổ phiếu (20% vốn điều lệ). Theo FPT, công ty có thể duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt này (2.000 đồng/cổ phiếu) do công ty cần phải giữ lại phần lợi nhuận để tài trợ cho các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
 
Luận điểm đầu tư:
 
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT lên KHẢ QUAN (từ Trung lập), với giá mục tiêu theo SOTP 12 tháng là 128.100 đồng (tương đương tiềm năng tăng giá là 14,6%). FPT giao dịch ở mức P/E 2024 hấp dẫn là 20,1x (nhờ mức tăng trưởng EPS dự kiến là 21% svck so với P/E của các công ty cùng ngành là 19,1x với mức tăng trưởng EPS là 14% svck). Mặc dù chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng giá trị hợp đồng ký mới có vẻ sẽ chậm lại, dựa trên kế hoạch (do công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ký mới khoảng 25%-30% svck trong năm 2024 tại ĐHCĐ năm 2024, so với 37,6% svck trong năm 2023), chúng tôi cho rằng mức này đủ để mảng CNTT nước ngoài đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 20% svck/năm trong năm 2024- 2025. Chúng tôi cũng lưu ý rằng FPT gần đây cũng đã tăng cường hiện diện tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng mảng giáo dục sẽ là động lực tăng trưởng hai con số khác cho FPT, nhờ hoạt động mảng này tiếp tục mở rộng.
 
Yếu tố hỗ trợ tăng đối dự báo: Tăng trưởng doanh thu từ thị trường Mỹ và Châu Âu cao hơn dự kiến. Nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến để hỗ trợ mảng CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến.
 
Rủi ro đối với dự báo: Lương kỹ sư CNTT cao hơn dự kiến. Doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Tiến độ triển khai ngành vi mạch bán dẫn trong mảng giáo dục chậm hơn dự kiến.
 
 
 
FPT đặt kế hoạch mảng công nghệ và viễn thông sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024
 
FPT đã tổ chức ĐHCĐ năm 2024 vào ngày 10/4/2024, dưới đây là một số điểm chính từ cuộc họp: Công ty dự kiến mảng công nghệ và viễn thông được sẽ có mức tăng trưởng svck cao nhất so với các mảng khác trong năm 2024, cụ thể FPT đặt kế hoạch LNTT đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (tăng 24,8% svck) và 3,5 nghìn tỷ đồng (tăng 15,3% svck). Nhìn chung, FPT đặt kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2024 lần lượt đạt 61,9 nghìn tỷ đồng (tăng 17,5% svck) và 10,9 nghìn tỷ đồng (tăng 18,2% svck). Ban lãnh đạo cũng cho biết kết quả kinh doanh sơ bộ Q1/2024 đạt mức tăng trưởng tốt cả về doanh thu (hơn 20% svck) và LNST (khoảng 20% svck), kết quả này phù hợp với ước tính của chúng tôi.
 
CNTT nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số trong Q1/2024. Ban lãnh đạo ước tính lợi nhuận của mảng này tăng khoảng 25% svck trong Q1/2024, trong đó thị trường Nhật Bản mang lại mức tăng trưởng doanh thu khoảng 40% svck. Công ty cũng đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ký mới đạt khoảng 25% - 30% svck và sẽ tiếp tục chiến lược M&A trong năm nay. Đối với mảng bán dẫn, FPT kỳ vọng sẽ cung cấp 25 triệu chip cho khách hàng trong năm 2024 (và khoảng 45 triệu chip trong năm 2025). Như chúng tôi đã đề cập trước đó, mảng này vẫn chưa mang lại lợi nhuận đáng kể cho FPT. FPT cũng kỳ vọng mảng automotive (FPT Automotive) sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình 50% svck mỗi năm, kế hoạch doanh thu đạt 1 tỷ USD trong năm 2030.
 
Đối với mảng CNTT trong nước, FPT sẽ tận dụng hệ sinh thái công nghệ Made-by-FPT để nâng cao hiệu quả hoạt động của mảng này, thông qua việc tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và nền tảng của hệ sinh thái. Ban lãnh đạo kỳ vọng hệ sinh thái công nghệ Made-by-FPT sẽ cải thiện biên lợi nhuận của mảng này trong những năm tới, mặc dù mảng CNTT trong nước vẫn đang đối mặt với khoản lỗ trước thuế 34 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2024 (so với mức lỗ 30 tỷ đồng trong năm 2023), khi những thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Chúng tôi lưu ý rằng doanh thu Made-by-FPT đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 42,3% svck) (chiếm 23% doanh thu mảng CNTT trong nước) trong năm 2023 và ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 40% svck cho hệ sinh thái này trong năm 2024, cụ thể công ty đặt kế hoạch có ít nhất 10 sản phẩm/giải pháp đạt doanh thu 100 tỷ đồng (hoặc cao hơn) (so với 6 sản phẩm/giải pháp ở cùng quy mô trong năm 2023). Một số sản phẩm/dịch vụ/giải pháp/nền tảng Made-by-FPT đáng chú ý như FPT.IDCheck (cho phép người dùng xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip và nhận dạng khuôn mặt), akaBot (cho phép người dùng thiết lập quy trình tự động hóa và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh), akaMes (nền tảng kỹ thuật số cung cấp giải pháp cho MOM (Quản lý vận hành sản xuất)) và bộ giải pháp thuế TaxSuite.
 
Quảng cáo trực tuyến sẽ thúc đẩy tăng trưởng của mảng viễn thông trong năm 2024-2025 do FPT kỳ vọng mảng quảng cáo trực tuyến sẽ phục hồi, đảo ngược so với xu hướng giảm trước đó vào năm 2023 với mức nền so sánh thấp. FPT cũng có kế hoạch ra mắt trung tâm dữ liệu mới trong năm 2024 (ban lãnh đạo đặt kế hoạch chậm nhất là vào đầu năm 2025). Chúng tôi lưu ý rằng trung tâm dữ liệu FPT sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong số các mảng khác trong mảng viễn thông, mặc dù mảng này hiện chỉ chiếm 3% doanh thu của mảng viễn thông (theo ước tính của chúng tôi). Như chúng tôi đã đề cập trước đó, trung tâm dữ liệu này (khoảng 3.600 racks) được đặt tại Quận 9, TP. HCM và cũng sẽ được thiết kế để phục vụ vận hành hệ thống tính toán cho trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, FPT đang xúc tiến xây dựng thêm một trung tâm dữ liệu mới ở miền Bắc. Hiện nay, FPT có 3 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại TP. Hà Nội và TP. HCM với công suất gần 4.000 racks. Tại Việt Nam, quy mô thị trường của lĩnh vực này là 685 triệu USD theo Research and Markets (ước tính năm 2023), và hiện có khoảng 30 trung tâm dữ liệu (theo Viettel IDC) trên cả nước, trong đó Tập đoàn Viettel (viettel) (thông qua Viettel IDC, thị phần lớn nhất), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), CMC Telecom, FPT Telecom và Tập đoàn VNG (VNZ: UpCOM) là những doanh nghiệp đáng chú ý hoạt động lĩnh vực này.
 
Đối với mảng giáo dục, FPT sẽ tiếp tục mở rộng các trường đại học, thành lập cơ sở đào tạo mới cũng như tập trung vào các khóa đào tạo liên quan đến bán dẫn. Năm 2024, FPT dự kiến đưa trường K-12 mới tại các tỉnh Thanh Hóa, Huế, Hậu Giang đi vào hoạt động. Ngoài ra, công ty có kế hoạch bổ sung thêm nhiều trường học ở các tỉnh Bình Dương, Gia Lai, Hà Tĩnh và Nghệ An từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025. Mặt khác, FPT vẫn đang nghiên cứu các chương trình giáo dục về lĩnh vực bán dẫn để theo đuổi mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Chúng tôi lưu ý rằng công ty đã đưa vào giảng dạy chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Hệ thống đào tạo FPT Jerking (hợp tác với Ấn Độ) vào ngày 28/3/2024. Chúng tôi cho rằng việc mở rộng và đầu tư mới như vậy sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho mảng giáo dục.
 
Kế hoạch chia cổ tức 2023-2024: FPT đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 2.000 đồng/cổ phiếu và chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu (tức là cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới), dự kiến thực hiện trước cuối Q3/2024). Chúng tôi lưu ý rằng FPT đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt đầu tiên (1.000 đồng/cổ phiếu) trong năm 2023 và dự kiến sẽ trả phần còn lại vào Q2/2024. Đối với năm 2024, FPT cũng đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tương tự như năm 2023 (công ty sẽ chốt phương án cuối cùng tại ĐHCĐ thường niên năm 2025).
 
Chương trình ESOP: Công ty sẽ phát hành tối đa 0,5% số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại cho nhân viên có thành tích xuất sắc trong năm 2023. Tỷ lệ phát hành cho đối tượng lãnh đạo cấp cao là 0,227%. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhân viên và 10 năm đối với ban lãnh đạo cấp cao.
 
Vào tháng 3 và đầu tháng 4/2024, mảng CNTT nước ngoài đã mở rộng sự hiện diện tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc
 
Ngày 1/3/2024, FPT công bố mua lại Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC), công ty dịch vụ CNTT Nhật Bản, đánh dấu thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại Nhật Bản. Thương vụ này mang đến cho FPT gần 300 kỹ sư và chuyên gia với thế mạnh chuyên về hỗ trợ tư vấn, thiết kế, quy hoạch hệ thống, phát triển, và vận hành và bảo trì hệ thống. Thông qua giao dịch này, FPT cũng kỳ vọng sẽ mở rộng tệp khách hàng và dịch vụ tại Nhật Bản.
 
Ngày 11/3/2024, FPT công bố văn phòng mới tại Hàn Quốc (tọa lạc tại thành phố Daegu). Văn phòng đặt kế hoạch đạt mốc 1.000 nhân viên cũng như vị trí dẫn đầu trong số các trung tâm công nghệ ở khu vực phía Nam Hàn Quốc trong 5 năm tới.
 
Ngày 13/3/2024, FPT khai trương FPT Dalian tại Trung Quốc. Động thái này cho phép công ty nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như mở rộng tệp khách hàng nước ngoài. Ngoài ra, với việc thâm nhập sâu hơn ở thị trường Trung Quốc cũng sẽ giúp FPT tiếp cận hơn 200.000 kỹ sư CNTT chất lượng cao, có thể nói tiếng Nhật thành thạo, cũng như mạng lưới các trường đại học và cơ sở giáo dục khác ở Dalian cung cấp các chương trình học về Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Trong vòng 3 đến 5 năm tới, FPT Dalian dự kiến sẽ tuyển dụng 2.000-3.000 kỹ sư công nghệ tại địa phương. Ngày 1/4/2024, FPT và Konica Minolta, Inc. (Konica Minolta) thành lập liên doanh với tên Konica Minolta FPT Solution Labs, Inc. (tỷ lệ sở hữu lần lượt là 49% và 51%). Cụ thể, FPT sẽ phụ trách phát triển phần mềm và thực hiện các công việc liên quan khác cho Konica Minolta và các công ty con thuộc tập đoàn.Chúng tôi gần như không thay đổi ước tính năm 2024 so với báo cáo cập nhật trước đó, cụ thể:
 
Mảng CNTT nước ngoài: Như đã đề cập ở trên, thị trường Nhật Bản đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 40% svck trong Q1/2024, cao hơn một chút so với ước tính của chúng tôi. Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu cao hơn một chút so với dự kiến từ các nước Châu Á- Thái Bình Dương (APAC) trong 2 tháng đầu năm 2024. Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính doanh thu năm 2024 cho thị trường Nhật Bản và APAC lần lượt là 4% và 2%. Chúng tôi cho rằng các ước tính thay đổi này sẽ ít có tác động đến dự báo LNTT của FPT trong năm 2024. FPT chưa công bố mức tăng trưởng cụ thể tại thị trường Mỹ, Châu Âu và APAC trong Q1/2024, nhưng công ty cho rằng mức tăng trưởng tại thị trường Mỹ thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu CNTT nước ngoài tổng thể, và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi duy trì giả định tăng trưởng doanh thu tại thị trường Mỹ (tăng 12% svck), Châu Âu (tăng 14% svck).
 
Mảng CNTT trong nước: Chúng tôi nhận thấy doanh thu mảng này tăng trưởng 10% svck trong 2T2024, nhưng vẫn duy trì các giả định hiện tại (cả doanh thu và LNTT đi ngang svck) do chúng tôi chưa thấy tín hiệu phục hồi LNTT của mảng này trong năm 2024-2025 (trước những thách thức của nền kinh tế hiện tại). Chúng tôi kỳ vọng các thương vụ M&A của FPT năm 2023, việc gia tăng hiện diện trên thị trường nước ngoài năm 2024 cũng như việc liên tục mở rộng các cơ sở giáo dục sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong năm 2025.
 
Tóm tắt định giá
 
Chúng tôi chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2025 để phản ánh câu chuyện tăng trưởng của FPT trong năm 2024-2025.
 
Rủi ro đối với dự báo của chúng tôi:
  • Lương kỹ sư CNTT cao hơn dự kiến.
  • Doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở thị trường Mỹ.
  • Tiến độ triển khai ngành vi mạch bán dẫn trong mảng giáo dục chậm hơn dự kiến.
Yếu tố hỗ trợ tăng đối dự báo:
  • Tăng trưởng doanh thu từ thị trường Mỹ và Châu Âu cao hơn dự kiến.
  • Nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến để hỗ trợ mảng CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến.