Công ty Cổ phần FPT (FPT): Tiếp tục tăng trưởng hai con số trong năm 2024 nhờ mảng Giáo dục và CNTT nước ngoài

                                                                                   Nguồn: SSI

Tiếp tục tăng trưởng hai con số trong năm 2024 nhờ mảng Giáo dục và CNTT nước ngoài

 

 

Luận điểm đầu tư: Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP (từ KHẢ QUAN) đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu theo pp SOTP cao hơn là 114.100 đồng/cổ phiếu (tương đương tiềm năng tăng giá là 3%). Mặc dù vậy, chúng tôi lạc quan về sự bền bỉ trong tốc độ tăng trưởng doanh thu ký mới đối với mảng CNTT nước ngoài trong năm 2024, được hỗ trợ từ các thương vụ M&A mà FPT đã thực hiện trong năm 2023. Chúng tôi cũng tiếp tục kỳ vọng Đại học FPT sẽ tiếp nhận lứa sinh viên đầu tiên ngành vi mạch bán dẫn từ đó tạo thêm một nguồn doanh thu khác cho công ty.
 
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Lương kỹ sư CNTT cao hơn dự kiến; doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT thấp hơn dự kiến; tiến độ triển khai ngành vi mạch bán dẫn trong mảng giáo dục chậm hơn dự kiến.
 
Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị: Tăng trưởng từ thị trường Mỹ và Châu Âu cao hơn dự kiến. Ngoài ra, trong tháng 3/2024, FPT công bố mua lại Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC), một công ty dịch vụ công nghệ của Nhật Bản. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi tập khách hàng cũng như danh mục dịch vụ tại thị trường Nhật Bản thông qua thương vụ M&A này, đây là yếu tố tác động có thể làm tăng ước tính của chúng tôi đối với mảng CNTT nước ngoài.
 
 
KQKD năm 2023 sát với ước tính của chúng tôi
 
Trong năm 2023, FPT đạt 52,6 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 19,6% svck) và NPATMI đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (tăng 21,9% svck), lần lượt đạt 98% và 101% dự báo của chúng tôi cho năm 2023. Biên NPATMI khá ổn định so với năm 2022:
 
  • Mảng CNTT nước ngoài là động lực chính giúp công ty đạt kế hoạch, mang lại lần lượt 46% và 41% tổng doanh thu và LNTT năm 2023 của FPT, trong đó doanh thu chuyển đổi số (DX) chiếm 43% (so với 39% năm 2022) của doanh thu CNTT nước ngoài. Cụ thể, 40% doanh thu chuyển đổi số là dịch vụ đám mây, tiếp theo là trí tuệ nhân tạo (AI)- phân tích dữ liệu chiếm 12% và 10% đến từ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) & Lowcode. Xét theo khu vực, Nhật Bản mang lại nhiều doanh thu nhất cho mảng này (39%), tiếp theo là Mỹ (29%), Châu Á–Thái Bình Dương (25%) và Châu Âu (7%). Tương tự như KQKD 9T2023, Nhật Bản có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong Q4/2023 (tăng 41% svck, theo ước tính của chúng tôi). Đối với doanh thu năm 2023, thị trường Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 43% svck (tăng trưởng tự nhiên đạt 52% svck), theo sát là Châu Á–Thái Bình Dương (tăng 38% svck), mà chúng tôi cho là do nhu cầu chi tiêu CNTT đều cao ở cả hai thị trường này, đặc biệt là liên quan phần chuyển đổi số. FPT tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ (tăng 37,6% svck, so với mức 39,0% svck vào năm 2022). Đặc biệt, riêng trong Q4/2023, doanh thu đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 88% svck). Chúng tôi lưu ý rằng FPT đã tham gia 4 thương vụ M&A lớn trong năm 2023 (chủ yếu nhằm mở rộng và tăng cường năng lực công nghệ, nguồn nhân lực và tệp khách hàng), bao gồm việc mua lại mảng dịch vụ CNTT của Intertec International, trở thành nhà đầu tư lớn và đối tác chiến lược tại Landing AI (công ty phần mềm thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ), mua lại Cardinal Peak (một công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có trụ sở tại Mỹ), cũng như mua lại 80% cổ phần của AOSIS (một công ty tư vấn CNTT của Pháp). Tuy nhiên, theo công ty, những thương vụ này không có tác động đáng kể đến mức tăng trưởng doanh thu ký mới năm 2023. FPT kỳ vọng rằng những thương vụ này sẽ hỗtrợ doanh thu ký mới trong năm 2024. Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, FPT đã thành công trong việc định hướng thị trường và duy trì tăng trưởng doanh thu mảng CNTT trong nước (tăng 4,6% svck) trong năm 2023 nhờ các hợp đồng với khối chính phủ, công ty nước ngoài và các ngành khác ít bị ảnh hưởng hơn trước những thách thức kinh tế cũng như sự tăng trưởng vững chắc từ doanh thu của hệ sinh thái sản phẩm Made-by-FPT (tăng 40,8% svck).
  • Mảng viễn thông: Doanh thu và LNTT mảng viễn thông trong 2023 lần lượt đạt 15,8 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3% svck) và 3,0 nghìn tỷ đồng (tăng 7,8% svck), chủ yếu được hỗ trợ bởi mảng băng thông rộng, Pay TV và trung tâm dữ liệu.Cụ thể, doanh thu trung tâm dữ liệu đạt mức tăng trưởng 30% svck vào năm 2023. Tương tự như CNTT trong nước,mảng quảng cáo trực tuyến của công ty bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái của nền kinh tế và phải phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động tổ chức sự kiện (có biên lợi nhuận thấp hơn quảng cáo trực tuyến), dẫn đến biên lợi nhuận trước thuế bị thu hẹp xuống còn 22,7% (từ mức 39,9% trong năm 2022).
  • Mảng giáo dục, đầu tư và khác: Mảng này ghi nhận doanh thu 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng 52,5% svck) và 2,0 nghìn tỷ đồng (tăng 35,6% svck) LNTT vào năm 2023, trong đó doanh thu giáo dục đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (tăng 31% svck), thấp hơn một chút so với dự báo của chúng tôi. Trong khi đó, số lượng sinh viên/học sinh toàn thời gian đạt 145.000 (tăng 34% svck), cao hơn doanh thu giáo dục, chủ yếu do có thêm nguồn thu từ đào tạo nghề, có học phí thấp hơnso với các trường đại học và K- 12. Năm 2023, FPT thành lập 2 trường K-12 mới và 8 cơ sở dạy nghề mới.
 
FPT đặt kế hoạch tăng trưởng hai con số vào năm 2024 trong cuộc họp với Chuyên viên phân tích vào tháng 2/2024
 
So với năm 2023, FPT đặt kế hoạch năm 2024 tăng trưởng svck chậm hơn cả về doanh thu và LNTT. Cụ thể, công ty đặt kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2024 lần lượt là 62 nghìn tỷ đồng (tăng 17,5% svck so với mức tăng 19,5% svck trong năm 2023) và 11 nghìn tỷ đồng (tăng 18,2% svck so với mức tăng 20,1% svck trong năm 2023), kế hoạch này phù hợp với dự báo của chúng tôi (99% đối với doanh thu và 98% đối với LNTT). Ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng chậm hơn do lo ngại về những thách thức từ thị trường trong nước, cũng như thị trường Mỹ và Châu Âu.
 
Mảng CNTT nước ngoài dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 20%-25% svck trong năm 2024, tương đương doanh thu dự kiến đạt 1,2 tỷ USD-1,3 tỷ USD. Cụ thể, ban lãnh đạo dự kiến mức tăng trưởng tự nhiên là 35% svck tại thị trường Nhật Bản và 20% svck tại thị trường Mỹ (số liệu dự kiến ở thị trường Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương không được công bố). Đối với thị trường Mỹ, ban lãnh đạo cho rằng mức tăng trưởng 20% svck có thể đạt được do doanh thu ký mới tại thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, điều này cho thấy nhu cầu ở thị trường Mỹ đang tăng. Cùng với các thương vụ M&A lớn như đã đề cập ở trên cùng với các mối quan hệ đối tác tiềm năng đầy hứa hẹn tại Hàn Quốc, FPT lạc quan về đà tăng trưởng vững chắc đối với doanh thu ký mới trong năm 2024. FPT kỳ vọng biên lợi nhuận của mảng CNTT nước ngoài tiếp tục cải thiện nhờ tỷ trọng đóng góp cao hơn từ các hợp đồng có giá cố định vào cơ cấu doanh thu. AI cũng là một công cụ khác được FPT sử dụng để tăng năng suất hoạt động. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng các thương vụ M&A của FPT trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến mức tăng trưởng doanh thu ký mới năm 2024. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng AI (đặc biệt là GenAI) có thể đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng dài hạn của FPT. Cần lưu ý rằng công ty đã công bố thương vụ AI đầu tiên trị giá hơn 1 triệu USD trong tháng 2/2204. Cụ thể, đây là hợp đồng có giá cố định trị giá 1,2 triệu USD FPT đã ký với một khách hàng là một nhà cung cấp các sản phẩm và vật liệu kết cấu xây dựng nhà ở hàng đầu của Mỹ.
 
Ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng 11% svck và 15% svck cho doanh thu và LNTT mảng viễn thông trong năm 2024. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào Pay TV và Trung tâm dữ liệu và kỳ vọng mảng quảng cáo trực tuyến sẽ phục hồi. Ban lãnh đạo dự định ra mắt trung tâm dữ liệu mới (tại TP. Hồ Chí Minh) vào Q3/2024, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu hiện tại.
 
Đối với mảng giáo dục, ban lãnh đạo đặt kế hoạch thận trọng tăng trưởng doanh thu 20%-25% svck trong năm 2024. Hiện tại, chúng tôi giả định doanh thu của mảng này sẽ tăng trưởng 30% svck.
 
Triển vọng lợi nhuận năm 2024
 
 
Về CNTT nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng hai con số đối với LNTT năm 2024 (chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản và Châu Á-Thái Bình Dương), nhưng thấp hơn một chút so với năm 2023 (tăng 27% svck) khi chúng tôi duy trì giả định tăng trưởng doanh thu svck trong năm 2024 đối với Nhật Bản (tăng 30% svck), Châu Á-Thái Bình Dương (+31% svck), Mỹ (+12% svck) và Châu Âu (+14% svck) so với dự báo trước đó. Các giả định đối với tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản và Mỹ của chúng tôi thận trọng hơn so với dự báo tương ứng của FPT là 35% svck và 20% svck. Chúng tôi cũng lo ngại về những thách thức tại thị trường Mỹ, thị trường chỉ đạt mức tăng trưởng doanh số 9% svck vào năm 2023.
 
Đối với mảng CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến, chúng tôi chưa chắc về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng LNTT mảng CNTT trong nước sẽ đi ngang và LNTT của mảng quảng cáotrực tuyến sẽ tăng 5% so với mức nền so sánh thấp trong năm 2023.
 
Đối với dịch vụ viễn thông, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu một con số cho băng thông rộng (do thị trường băng thông rộng Việt Nam đã bão hòa) và tăng trưởng hai con số cho Pay TV và Trung tâm dữ liệu. Theo FPT, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào nội dung riêng của Pay TV. Đối với Trung tâm dữ liệu, như chúng tôi đã đề cập ở trên, FPT dự định ra mắt trung tâm dữ liệu mới (tại Thành phố Hồ Chí Minh) vào Q3/2024, chúng tôi tin rằng đây là một trong những yếu tố then chốt tạo ra tăng trưởng trong năm 2024. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động này vẫn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ, cho thấy tác động đối với sự tăng trưởng của cả mảng này sẽ ở mức hạn chế.
 
Đối với giáo dục, chúng tôi giả định mức tăng trưởng doanh thu 30% svck trong năm 2024 cho mảng giáo dục do: 1) Các trường công lập trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu giáo dục; và 2) Đại học FPT sẽ được hưởng lợi từ lứa sinh viên đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch điện tử, thông qua việc thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn. Chúng tôi lưu ý rằng FPT cũng tham gia vào hai quan hệ đối tác đáng chú ý khác để phục vụ mục tiêu đầy tham vọng là đào tạo khoảng 10.000-15.000 kỹ sư và chuyên gia bán dẫn cho Việt Nam tới năm 2030, bao gồm thỏa thuận giữa Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và Pearson để chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn cho BTEC FPT (tháng 11/2023) cũng như hợp tác với Jetking Infotrain (Jetking) của Ấn Độ để triển khai khóa học thiết kế chip (tháng 1/2024).