Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT): Không ngừng vươn lên

            Nguồn: MIRAE

Không ngừng vươn lên

 

 

SBT là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường Việt Nam, chiếm hơn 46% thị phần nội địa và xuất khẩu hơn 29 quốc gia. Sở hữu vùng nguyên liệu rộng 71.000 ha, 10 nhà máy đường với tổng công suất ép mía gần 41.000 tấn mía/ngày, 4.690 tấn đường/ngày.

Quý 1 (01/07/2023 - 30/09/2023) niên độ 2023-2024, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 6.375 tỷ đồng và 216 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và giảm 17% YoY: 1) Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,5% xuống 10,9% so với cùng kỳ; 2) Chi phí tài chính tăng 58% YoY, do chi phí lãi vay tăng 91% YoY; 3) Doanh thu tài chính tăng 59% YoY, do lợi nhuận từ lãi tiền gửi ngân hàng và cho vay tăng.

Niên độ 2022-2023, toàn ngành đường Việt Nam ép được 9,6 triệu tấn mía, sản lượng sản xuất đường đạt 935 nghìn tấn lần lượt tăng 28% và tăng 25% so với niên độ 2021–2022. Lượng đường này chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước, khi nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam vẫn rất cao. Tình trạng thiếu hụt cũng diễn ra ở bình diện thế giới, Tổ chức đường Quốc tế (ISO) thống kê niên vụ 2022 - 2023, sản lượng đường thế giới thiếu hụt hơn 2 triệu tấn so với nhu cầu. Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023-2024 dự kiến đạt 187 triệu tấn (+6% YoY), tiêu thụ 180 triệu tấn (+2.3% YoY).

Giá đường thế giới T10/2023 đạt 26.52 Uscents/lb (+40% YoY), đạt đỉnh mới sau hơn 10 năm trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung do El Nino (khô hạn) ở Thái Lan và các quốc gia xuất khẩu đường chủ chốt. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường từ ngày 18/10/2023 làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung.

Giai đoạn 2021-2025, SBT tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc đến 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt 90.000 ha. Tháng 6/2023, SBT đã vận hành 1.341 ha. Ngoài ra, SBT đẩy mạnh mở rộng danh mục sản phẩm F&B (thực phẩm và đồ uống) với các dòng từ mía, dừa và các sản phẩm khác, mục tiêu mảng F&B sẽ đóng góp 30% - 40% doanh thu SBT vào năm 2030. Theo dự báo của Statista, thị trường đồ uống không cồn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,28%/năm trong giai đoạn 2023-2028.

Niên độ 2023-2024 (01/07/2023 - 30/06/2024), chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 27,044 và 814 tỷ đồng, tăng 9,2% và 51%YoY nhờ: 1) Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,2% lên 11,9% nhờ giá đường tăng; 2) Dự báo giá đường giao động khoảng 20.000 – 26.000 đ/kg, mức bình quân tăng 21% so với 2022; 3) Doanh thu mảng sản xuất đường tăng 8,6% YoY, đạt 24.836 tỷ đồng; 4) Doanh thu khác bao gồm các sản phẩm F&B tăng 15%, đạt 1.105 tỷ đồng.

EPS forward niên độ 2023 - 2024 ước 1.052 đ/cp, tương ứng P/E forward ở mức 13,3 lần. Chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC dành cho SBT: 1) vị thế dẫn đầu ngành mía đường; 2) nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 3) triển vọng tăng trưởng từ mảng F&B.

 

  • SBT hiện đang giao dịch quanh vùng giá 13,500-14,500 đ/cp. Nhiều khả năng, sẽ tiếp tục tích lũy trên đường MA20 trước khi quay trở lại xu hướng tăng.
  • Nếu SBT vượt được mốc kháng cự quanh vùng 16,500 đ/cp. Kỳ vọng sẽ tiến về kháng cự cao hơn ở 18,000 đ/cp.