Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC): Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhưng chi phí bán hàng cao bào mòn lợi nhuận

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhưng chi phí bán hàng cao bào mòn lợi nhuận

 

 

  • Doanh thu thuần Q3/2024 tăng 59% so với cùng kỳ đạt 2.845 tỷ đồng, nhờ sản lượng xuất khẩu tôm tăng 54,8% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu bình quân tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận thuần giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ xuống 80 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bán hàng cao.
  • Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần đạt lần lượt 5.549 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ) và 196 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ). Theo đó, lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2024 đạt 58% dự báo cho cả năm 2024 của HSC, thấp hơn 20% so với kỳ vọng.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 59.300đ. FMC đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 8,6 lần, thấp hơn 0,6 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 1/2021 ở mức 9,7 lần.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2024

FMC công bố KQKD Q3/2024 trái chiều với doanh thu thuần tăng 59% so với cùng kỳ đạt 2.845 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thuần giảm nhẹ 2% xuống 80 tỷ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu nhờ sản lượng tôm xuất khẩu tăng 54,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng cao.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt tổng cộng 5.549 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần đạt tổng cộng 196 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần đạt 94% dự báo cả năm của HSC, vượt 20% so với kỳ vọng, trong khi lợi nhuận thuần đạt 58% dự báo cả năm, thấp hơn 20% so với kỳ vọng. Chúng tôi đang đánh giá lại đầy đủ hơn về KQKD của FMC.

Sản lượng tôm xuất khẩu và giá xuất khẩu bình quân tăng ấn tượng

Doanh thu xuất khẩu tôm trong Q3/2024 đạt 2.801 tỷ đồng, tăng đáng kể 60% so với cùng kỳ và đóng góp 98% doanh thu thuần Q3/2024. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sản lượng xuất khẩu đạt 8.919 tấn, tăng mạnh 40,7% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu bình quân tăng 13,8% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xuất khẩu tôm trong Q3/2024 đã cải thiện lên mức 10,7%, cao hơn so với mức 10% trong Q3/2023 và ngang mức 10,7% trong Q2/2024.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ xuất khẩu tôm đạt tổng cộng 5.438 tỷ đồng, tăng mạnh 46,8% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi sản lượng xuất khẩu tăng 32,4% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu bình quân tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xuất khẩu tôm tăng lên mức 9,6%, cao hơn so với mức 8,6% của 9 tháng đầu năm 2023.

Mảng xuất khẩu nông sản đi ngang

Trong Q3/2024, doanh thu xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu tăng 4,2% trong khi giá xuất khẩu bình quân giảm 3% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức 20,3%, giảm so với mức 21,6% trong Q3/2023 và 32,6% trong Q2/2024.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu xuất khẩu nông sản đạt 11 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu giảm 5,7% so với cùng kỳ xuống 1.042 tấn và giá xuất khẩu bình quân giảm 10,4% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức 22,2%, giảm so với mức 27,5% của 9 tháng đầu năm 2023

Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể

Trong Q3/2024, lợi nhuận gộp tăng mạnh 67% so với cùng kỳ đạt 308 tỷ đồng, nhờ doanh thu tăng mạnh và tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên mức 10,8%, so với 10,3% trong Q3/2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện nhờ sản lượng xuất khẩu tôm tăng đáng kể 40,7% so với cùng kỳ, cùng với giá xuất khẩu bình quân tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể, tăng lên mức 9,8% từ 9,2% trong cùng kỳ năm 2023.

Chi phí bán hàng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận

Trong Q3/2024, chi phí bán hàng tăng đáng kể 150% so với cùng kỳ lên 169 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng 193% so với cùng kỳ lên 92 tỷ đồng do xung đột ở Trung Đông.

Ngoài ra, chi phí thuế chống bán phá giá tăng 43,2% so với cùng kỳ lên 36 tỷ đồng, tỷ lệ thuận với mức tăng của doanh thu xuất khẩu, đồng thời phát sinh thêm thuế chống trợ cấp mới ở mức 23 tỷ đồng.

Lưu ý rằng Mỹ đã áp dụng thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam với mức thuế suất 2,84% bắt đầu từ tháng 4/2024. Do đó, FMC đã nộp khoản ký quỹ thuế chống trợ cấp là 23 tỷ đồng trong Q3/2024.

Trong khi đó, chi phí quản lý tăng 16,2% so với cùng kỳ lên 21 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu bán hàng gia tăng.

Nhìn chung, chi phí quản lý & bán hàng trong Q3/2024 tăng mạnh 121% so với cùng kỳ lên 190 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ chi phí quản lý & bán hàng/doanh thu là 6,7%, cao hơn so với mức 4,8% trong Q3/2023.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ chi phí quản lý & bán hàng/doanh thu cũng tăng lên mức 5,7%, từ 3,6% của 9 tháng đầu năm 2023.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu

Giá cước vận chuyển container đường biển đã đạt đỉnh vào tháng 8/2023 và đang giảm dần trong những tháng gần đây. Ngược lại, giá xuất khẩu tôm bình quân đang dần được cải thiện. Với những xu hướng này, HSC kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục mở rộng trong Q4/2024, tăng so với quý trước và so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí vận chuyển Q4/2024 dự kiến sẽ giảm trong so với quý trước. \

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 59.300đ. FMC đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 8,6 lần, thấp hơn 0,6 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 1/2021 ở mức 9,7 lần.