Nguồn: HSC
Hưởng lợi nhờ chi tiêu y tế gia tăng; khuyến nghị lần đầu Mua vào
Tóm tắt
TNH: Dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ y tế
TNH, được thành lập năm 2014 với bề dày trong lĩnh vực y tế, hiện đang sở hữu hệ thống bệnh viện tư nhân lớn nhất các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, với 2 bệnh viện có quy mô 750 giường bệnh. Với doanh thu chủ yếu từ dịch vụ khám và điều trị bệnh, tốc độ CAGR doanh thu và lợi nhuận thuần trong 3 năm qua (đến năm 2021) lần lượt đạt 15,2% và 20,6%.
Nhận thấy nhu cầu cao đối với các dịch vụ y tế tư nhân trong khu vực, TNH đã đầu tư vào 3 bệnh viện mới tại Thái Nguyên và Bắc Giang; những bệnh viện này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong Q4/2023-Q2/2024.
Kế hoạch mở rộng nhiều khả năng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận
HSC dự báo CAGR doanh thu thuần và lợi nhuận thuần sẽ đạt lần lượt 21% và 20% trong giai đoạn 2021-2024. Lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023- 2024 nhờ đóng góp từ 3 bệnh viện mới. Lưu ý, chúng tôi dự báo dòng tiền tự do sẽ âm trong năm 2022 và 2023 do đầu tư lớn vào các bệnh viện mới. Tuy nhiên, kể từ năm 2024, dòng tiền tự do sẽ chuyển sang dương do nhu cầu vốn đầu tư giảm và đóng góp lợi nhuận từ các bệnh viện mới tăng lên.
Định giá và khuyến nghị
Tại thị giá hiện tại, TNH đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 10,1 lần, thấp hơn 0,4 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân trong quá khứ là 11,3 lần (tính từ tháng 1/2021). Chúng tôi cho rằng định giá của TNH hiện đang hấp dẫn với triển vọng rất tích cực phía trước. Trong khi đó, P/E dự phóng 2023 của TNH là 8,8 lần, thấp hơn 36% so với trung vị của các công ty cùng ngành trong nước là 13,8 lần (bao gồm Bệnh viện Tâm Đức (TTD; Không xếp hạng), Dược Hậu Giang (DHG; Nắm giữ, giá mục tiêu là 98.000đ) và Imexpharm (IMP; Không xếp hạng)) và thấp hơn 69% so với mức trung vị của các công ty cùng ngành trong khu vực là 28,2 lần.
HSC khuyến nghị lần đầu Mua vào đối với TNH với giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 39.000đ/cp, tiềm năng tăng giá là 32,9%.