Tỷ lệ phí ròng của VCI (phí ròng/phí gộp) giảm còn 6% từ 53% trong Q4/2022 và 26% trong Q3/2023. Tỷ lệ phí ròng giảm cho thấy VCI có lẽ đã tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân (thể hiện ở số dư cho vay ký quỹ Q4/2023 tăng mạnh như được phân tích dưới đây), từ đó khiến tỷ lệ phí ròng giảm (áp dụng chính sách phí giao dịch và lãi suất cho vay ký quỹ thấp nhằm thu hút NĐT). Ngoài ra, việc không có các thương vụ IB lớn (có thể tạo ra GTGD lớn với mức phí cao) cũng là một yếu tố khiến tỷ lệ phí ròng giảm.
Lãi từ cho vay ký quỹ hồi phục nhẹ
Lãi từ cho vay ký quỹ Q4/2023 tăng 15% so với cùng kỳ đạt 187 tỷ đồng (tăng 6% so với quý trước) nhờ số dư cho vay ký quỹ tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 38% so với quý trước đạt 8 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả năm 2023, lãi từ cho vay ký quỹ giảm 3% so với cùng kỳ với số dư cho vay ký quỹ giảm (số dư cho vay ký quỹ bình quân năm 2023 là 5,9 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức 6,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2022). Số dư cho vay ký quỹ Q4/2023 của VCI gần như đạt mức cao nhất từ trước đến nay (chỉ thấp hơn mức 8,1 nghìn tỷ đồng trong Q1/2022) trong khi VN Index Q4/2023 thấp hơn Q3/2023 và GTGD bình quân ngày giảm 27% so với quý trước. Với NĐT tổ chức bán ròng mạnh trong Q4/2023, cho vay ký quỹ có lẽ chủ yếu được cấp cho NĐT cá nhân. Lãi suất cho vay ký quỹ Q4/2023 giảm nhẹ 80 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 10,9% trong khi chi phí huy động tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,8%; từ đó làm giảm tỷ lệ NIM cho vay ký quỹ xuống 3,1% từ 5,1% trong Q3/2023 (và 4% trong Q4/2022). Giảm lãi suất cho vay ký quỹ có thể là chiến lược của VCI để thu hút NĐT cá nhân
Lãi hoạt động tự doanh hồi phục nhờ thoái vốn
Lãi hoạt động tự doanh tăng mạnh lên 201 tỷ đồng từ chỉ 3 tỷ đồng trong Q4/2022, nhờ lãi từ tài sản tài chính FVTPL tăng mạnh. Lãi thuần bán tài sản tài chính FVTPL đạt 192 tỷ đồng (so với lỗ 31 tỷ đồng trong Q3/2023) trong khi lãi từ tài sản tài chính HTM và AFS chỉ đạt khiêm tốn, lần lượt là 10 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.
Lãi từ tài sản tài chính FVTPL chủ yếu xuất phát từ việc VCI bán danh mục FVTPL trong Q4/2023, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết và TPDN. Trong kỳ, tài sản tài chính FVTPL giảm còn 122 tỷ đồng từ 1.123 tỷ đồng trong Q3/2023. VN Index đã hồi phục ấn tượng từ đáy 1.028 điểm vào cuối tháng 10 lên 1.130 điểm vào cuối tháng 12; theo đó HSC tin rằng VCI đã bán hầu hết tài sản tài chính FVTPL trong thời gian này.
Ngoài tài sản tài chính FVTPL, tài sản tài chính AFS vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ và tương đương quý trước), bao gồm các khoản đầu tư cổ phần tư nhân vào CTCP Sữa Quốc tế (IDP;
chưa khuyến nghị) và Tổng công ty Thanh toán Việt Nam (NAPAS; chưa khuyến nghị). Tuy nhiên, tài sản tài chính AFS không đóng góp nhiều lợi nhuận trên bảng cáo cáo KQKD (vì theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, VCI không được ghi nhận lợi nhuận khi chưa bán các khoản đầu tư này trên bảng cáo cáo KQKD); mà thay vào đó sẽ đóng góp vào lợi nhuận trên bảng CĐKT (ghi nhận lợi nhuận 577 tỷ đồng trong năm 2023 sau khi ghi nhận lỗ 635 tỷ đồng trong năm 2022). Lợi suất đầu tư chung Q4/2023 đạt 11,2%; cao hơn mức 10,2% trong Q3/2023 và 0,6% trong Q4/2022 (khi thị trường giảm mạnh). Lợi suất đầu tư tài sản tài chính FVTPL đạt mức đột biến là 123% (chủ yếu nhờ bán tài sản tài chính FVTPL) trong khi tài sản tài chính HTM (380 tỷ đồng và chủ yếu gồm chứng chỉ tiền gửi) có lợi suất đầu tư là 8,3% (giảm từ 11,5% trong Q4/2022 – là thờiđiểm mặt bằng lãi suất còn cao).
Duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
VCI đang có P/E trượt dự phóng 1 năm là 25,7 lần; cao hơn 1,2 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ. HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với VCI. HSC vẫn ưa thích VCI nhờ mô hình kinh doanh tinh gọn, danh mục đầu tư có lợi nhuận tốt và mảng IB mạnh. Tuy nhiên, VCI cần có lại được các hợp đồng IB lớn (thiếu hụt trong năm 2023) và chứng tỏ được năng lực cạnh tranh trong phân khúc khách hàng cá nhân nhằm cải thiện lợi nhuận nghiệp vụ môi giới.