CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND): Cập nhật ĐHCĐ và cập nhật nhanh KQKD Q1/2022

Nguồn: SSI

Cập nhật ĐHCĐ và cập nhật nhanh KQKD Q1/2022

 

VND

 

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá tham vọng:

VND đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 tương đối tham vọng dù có tính đến 3 kịch bản cùng với KQKD dự kiến khác nhau. Tuy nhiên ngay cả trong kịch bản xấu nhất của VND đưa ra, VNIndex cũng tăng 33% so với mức hiện tại của thị trường (VNIndex ~ 1200). Để lý giải cho sự tự tin trong Kế hoạch 2022, Hội đồng quản trị cho biết tỷ trọng của doanh thu hoạt động môi giới và cho vay ký quý sẽ chỉ chiếm 50% tổng doanh thu hoạt động của VND. Trong khi đó, VND tương đối tự tin vào nghiệp vụ kinh doanh nguồn vốn và dự kiến công ty sẽ chủ động kiểm soát tốt được doanh thu từ nghiệp vụ này.

Công ty dự kiến ghi nhận chỉ số ROAA và ROAE thấp hơn trong năm 2022 do dự kiến đẩy mạnh việc tăng vốn trong năm nay.

Kế hoạch chia cổ tức:

Công ty dự kiến sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5% trong năm tài chính 2022. ĐHCĐ cũng đã thông qua việc phát hành ESOP năm 2022 (2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 2,4 triệu cổ phiếu) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Nguồn vốn:

VND dự kiến huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ (dự kiến 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ đạt 20 nghìn tỷ đồng sau thực hiện trong nửa cuối năm 2022 hoặc nửa đầu năm 2023.

Như vậy, VND đang từng bước đa dạng hóa nguồn thu nhập từ hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ truyền thống sang kinh doanh nguồn vốn. Bên cạnh đó, VND cũng không phải chịu áp lực từ quy định về hạn mức dư nợ cho vay ký quỹ khi tính đến hết Q1/2022, tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu của VND là 1,7 lần (so với mức trần là 2,0 lần).

VND thông báo phát hành thêm trái phiếu trong năm 2022 (cả trong nước và quốc tế), trong đó có kế hoạch huy động 300 triệu USD (~ 6 nghìn tỷ đồng) thông qua trái phiếu quốc tế không chuyển đổi có kỳ hạn 2-3 năm. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng VND có thể cần phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất trong bối cảnh các NHTW đã có xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ (dẫn tới lãi suất tăng) và đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành.

Cập nhật nhanh KQKD hợp nhất Q1/2022:

Doanh thu hoạt động của VND trong Q1/2022 đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+66,1% so với cùng kỳ) trong khi LNTT đạt 950,9 tỷ đồng (+46,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 26,3% kế hoạch năm 2022 theo kịch bản cơ sở của VND. Tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ và Ngân hàng đầu tư (IB) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý.

Tuy nhiên, so với quý trước, KQKD của VND giảm nhẹ (doanh thu hoạt động -14,7% và LNTT -8,8%) trong bối cảnh thị trường chứng khoán hoạt động kém tích cực hơn trong Q1/2022 (VNIndex giảm -0,4% so với đầu năm trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm -7,9% so với quý trước).

Mảng môi giới và cho vay ký quỹ:

Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới (+65,9% so với cùng kỳ) và hoạt động cho vay ký quỹ (+168,6% so với cùng kỳ) tăng mạnh chủ yếu đến từ giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán tăng mạnh so với cùng kỳ (+62,8% so với cùng kỳ) và VND đã giành được thêm thị phần môi giới (8,01% trên sàn HOSE trong Q1/2022 so với 7,46% trong Q1/2021 và 7,67% trong Q4/2021). Bên cạnh đó, dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh (162,0% so với cùng kỳ) góp phần cải thiện doanh thu cho vay ký quỹ. Phí môi giới duy trì khá ổn định ở mức 15,2 bps trong Q1/2022 - giảm từ 15,8 bps trong Q1/2021.

So với Q4/2021, doanh thu môi giới (-15,2%) chậm lại trong khi doanh thu cho vay ký quỹ vẫn cải thiện (+6,3%) nhờ dư nợ cho vay tăng 11% so với quý trước.

Mảng IB:

Doanh thu IB ghi nhận kết quả ấn tượng 73,2 tỷ đồng (+563,1% so với cùng kỳ, +72,5% so với quý trước), chủ yếu nhờ hoạt động bảo lãnh phát hành khi VND tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư:

Thu nhập từ hoạt động đầu tư (bao gồm kinh doanh nguồn vốn và tự doanh) đạt 509,6 tỷ đồng (+5,3% so với cùng kỳ), nhờ thu nhập từ tài sản FVTPL tăng 49,6% so với cùng kỳ (do khoản lãi đáng kể ghi nhận từ việc bán trái phiếu chưa niêm yết (+60,9% so với cùng kỳ) và mức chênh lệch do đánh giá lại cổ phiếu niêm yết (tăng +224,1 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do từ kết quả tích cực của PTI (giá tăng 22% so với Quý 4).

Lãi từ các khoản đầu từ nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) trong Q1/2022 giảm 11,4% so với cùng kỳ - mặc dù dư nợ tài sản HTM tăng 136% so với cùng kỳ.

Tổng Tài sản và Vốn chủ sở hữu:

Tổng tài sản trong Q1/2022 của VND là 42,7 nghìn tỷ đồng, +15,1% so với cuối 2021 trong khi vốn chủ sở hữu là 10,4 nghìn tỷ đồng, +5,4% so với cuối 2021. Tính đến ngày 14/4/2022, VND đã hoàn thành đợt phát hành 435 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, đồng thời phát hành gần 348 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80%.

Với việc mở rộng cả tổng tài sản và vốn chủ sở hữu trong Q1/2022, chỉ số ROAA và ROAE Q1/2022 của VND ghi nhận lần lượt ở mức 7,6% và 30,2% (thấp hơn so với mức 8,4% và 32,5% trong năm 2021).

Luận điểm đầu tư

Chúng tôi cho rằng năm 2022 sẽ là một năm đầy thách thức đối với hoạt động kinh doanh của VND trong bối cảnh tâm lý thị trường tương đối thận trọng đi kèm với các biện pháp có phần siết chặt hơn của Chính phủ đối với thị trường chứng khoán và hoạt động phát hành TPDN. Trên thực tế, trong 5 năm qua, thu nhập từ kinh doanh trái phiếu của VND chiếm trung bình khoảng 18% LNTT của công ty và do vậy và đây sẽ là một thách thức đối với hoạt động kinh doanh nguồn vốn và IB của công ty. Điểm mạnh của VND so với các CTCK khác là VND có lợi thế với tệp khách hàng cá nhân tương đối lớn, nguồn vốn mạnh và đi đầu trong quá trình chuyển đổi số trong ngành.

Tại ngày 13/5/2022, VND đang giao dịch ở mức P/E và P/B lần lượt là 6,8 lần và 1,8 lần, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Chúng tôi hiện chưa đưa ra khuyến nghị đối với cổ phiếu VND.