CTCP Cơ Điện Lạnh (REE): Đối mặt với các thách thức ngắn hạn nhưng kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2024

Nguồn: VCSC

Đối mặt với các thách thức ngắn hạn nhưng kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2024

 

REE

 

  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho REE 6% xuống 80.500 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về tiềm năng mở rộng công suất của REE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đầy triển vọng của Việt Nam thông qua điện mặt trời áp mái và điện gió trong dài hạn vì công ty có năng lực tài chính mạnh nhất trong danh mục cổ phiếu năng lượng tái tạo mà chúng tôi theo dõi.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi đến từ việc chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2026 khoảng 6% tương ứng với giả định lợi nhuận thấp hơn đối với mảng năng lượng mặt trời áp mái và M&E.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (-15% YoY) chủ yếu do lợi nhuận từ mảng thủy điện giảm 42% YoY, lấn át lợi nhuận từ mảng điện gió tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ lên 352 tỷ đồng với 100 MW công suất điện gió mới và LNST của mảng M&E tăng 26% YoY.

  • Chúng tôi dự báo CAGR EPS đạt 17% trong giai đoạn 2023-2027, được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ khoảng 500 MW công suất điện gió, khoảng 500 MWp công suất điện mặt trời áp mái và tòa nhà Etown 6 đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2023.
  • Chúng tôi cho rằng mức định giá của REE là hấp dẫn với P/E năm 2023 là 10,9 lần, thấp hơn khoảng 20% so với P/E trượt trung bình 4 năm của một số các công ty cùng ngành.
  • Yếu tố hỗ trợ: Đóng góp lợi nhuận từ dự án BĐS tại Thái Bình; đóng góp lớn hơn dự kiến từ Sân bay Quốc tế Long Thành vào lợi nhuận từ mảng M&E dài hạn.
  • Rủi ro: Phê duyệt/M&A chậm hơn dự kiến đối với nhà máy điện gió mới vào năm 2023.

M&E đối mặt với những thách thức ngắn hạn. LNST năm 2022 của mảng này chỉ hoàn thành 69% dự báo cả năm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi giảm dự báo LNST giai đoạn 2023-2026 thêm khoảng 16% do chúng tôi cho rằng lãi suất cao và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và doanh thu của mảng này. Ngoài ra, các dự án đầu tư công (ví dụ: Nhà ga số 3 Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Long Thành) đang tiến triển chậm và sẽ chỉ đóng góp đáng kể bắt đầu từ năm 2025.

Những thách thức ngắn hạn đối với việc mở rộng công suất năng lượng mặt trời áp mái. Năm 2022, REE đã phát triển 35 MWp công suất điện mặt trời áp mái, mang lại 47 tỷ đồng LNST, thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Theo REE, điện mặt trời áp mái sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức trong năm 2023 nếu không có cơ chế giá mới sau khi biểu giá FiT ưu đãi hết hạn vào cuối năm 2020. Do đó, chúng tôi hạ dự báo về công suất điện mặt trời áp mái mới năm 2023 từ 100 MW xuống 35 MW nhưng vẫn giữ nguyên giả định về 100 MW công suất mới mỗi năm trong giai đoạn 2024-2027.

Cơ chế định giá năng lượng tái tạo mới sẽ được phê duyệt vào năm 2023, điều này sẽ giúp tăng công suất điện gió. Chúng tôi giữ nguyên dự báo về 100 MW điện gió mới mỗi năm trong giai đoạn 2023-2026 (chủ yếu từ M&A). Chúng tôi dự báo LNST năm 2023 sẽ tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ nhờ cải thiện công suất và sản lượng mới của các nhà máy điện gió hiện tại so với tốc độ gió thấp và cắt giảm sản lượng vào năm 2022.