CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV): Nhu cầu đi lại tăng cao do du lịch phục hồi mang về nguồn thu lớn cho các trạm BOT

Nguồn: DSC

Nhu cầu đi lại tăng cao do du lịch phục hồi mang về nguồn thu lớn cho các trạm BOT 

 

HHV

 

KẾT QUẢ KINH DOANH

Kinh doanh khởi sắc, biên lợi nhuận được giữ vững. Hết Q1.2023, HHV ghi nhận mức doanh thi đạt 539 tỷ (+25% YoY). Động lực tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp phần lớn đến từ mảng xây lắp (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Về mặt biên lợi nhuận, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của HHV lần lượt đạt 48,1% và 15,4% trong Q1.2023, đây là mức biên lợi nhuận ổn định kể từ năm năm 2021. Điều này cho thấy việc HHV vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định bất chấp hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Trụ cột kinh doanh đến từ mảng thu phí BOT. Mảng thu phí BOT vẫn là mảng kinh doanh chính yếu của HHV. Q1.2023, doanh thu mảng này đạt 387 tỷ (+5,4% YoY) và chiếm tới 72% cơ cấu doanh thu. DSC cho đây sẽ tiếp tục là nguồn thu tiềm năng và dài hạn của HHV khi khoảng 80% tài sản doanh nghiệp này đang nắm giữ là ở các dự án BOT.

Trong khi đó mảng xây lắp mặc dù ghi nhận mức tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 do một số các dự án thuộc gói cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 dần hoàn thiện nhưng cơ cấu doanh thu chỉ chiếm 25%. Ngoài ra, biên gộp của mảng này cũng khá thấp, chỉ đạt 12,6%, chỉ bằng 1/5 so với mức biên gộp mà mảng thu phí BOT mang lại trong Q1.2023. 

Vay nợ tăng cao nhưng không quá rủi ro. Tính tới hết Q1.2023, lãi vay trong kỳ của HHV đạt 164 tỷ (+2,5% YoY), tỷ lệ Nợ tài chính/VSCH của HHV đang ở mức 2,4 lần, đây là tỷ lệ khá lớn tuy nhiên đã có sự thuyên giảm từ năm 2020. Chủ yếu nợ vay của HHV là nợ dài hạn và các khoản vay này được dùng để đầu tư cho các dự án BOT. Theo đánh giá của DSC, mặc dù tỷ lệ nợ vay lớn nhưng chủ yếu các khoản này đều được đầu tư vào các dự án BOT và trở thành tài sản cố định của doanh nghiệp, đây là đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh thu phí BOT. Bên cạnh đó các dự án của HHV đều được cơ quan nhà nước cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư cố định.

ĐỊNH GIÁ & DỰ PHÓNG

Thông tin cổ tức

Trong giai đoạn 2016 – 2018, HHV duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ khoảng 5 - 13%. Tuy nhiên trong giai đoạn 2019 – nay, doanh nghiệp chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm sử dụng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, tập trung cho các dự án lớn trong bối cảnh dòng tiền còn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Định giá

P/B của HHV tại giá đóng cửa 18/05/2023 đạt 0,56 lần, thấp hơn mức P/B trung bình 5 năm là 0,96 và thấp hơn mức trung bình của các doanh nghiệp có mảng kinh doanh BOT là 0,87 lần.

Dự phóng kết quả kinh doanh

DSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận của HHV trong cả năm 2023 đạt lần lượt 2.630 tỷ (+25,5% YoY) và 345 tỷ (+16,2% YoY). Với mức dự phóng như trên, DSC ước tính EPS của HHV trong năm 2023 đạt 1.120 VND/cp, tương ứng với mức P/E forward 2023 đạt 11,7 lần. Với mức P/E forward như trên, kết hợp cùng mức P/B hợp lý là 1 lần dành cho HHV, DSC thận trọng đưa ra mức định giá cho HHV ở mức 16.600 VNĐ/cp, upside 26,7% so với mức giá đóng cửa ngày 18/05/2023.