CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG): Lợi nhuận kém khả quan vẫn còn tiếp diễn

Nguồn: SSI

Lợi nhuận kém khả quan vẫn còn tiếp diễn

 

MWG

 

KQKD Q4.2022

Trong Q4.2022, MWG đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 30,6 nghìn tỷ đồng (-15% so với cùng kỳ) và 619 tỷ đồng (-60% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 133 nghìn tỷ đồng (+8% so với cùng kỳ) và 4,1 nghìn tỷ đồng (-16% so với cùng kỳ), hoàn thành 95% và 65% kế hoạch năm. Do công ty không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2022 nên sẽ không phát hành ESOP.

Chuỗi ICT & CE (ĐMX, TGDĐ, Topzone) giảm mạnh:

  • Doanh thu giảm -25% so với cùng kỳ trong Q4.2022 đạt 23 nghìn tỷ đồng (so với +27% so với cùng kỳ trong 9T2022). KQKD kém khả quan như vậy là do: (i) mức nền cơ sở cao được thiết lập trong Q4.2021 khi MWG được hưởng lợi nhờ nhu cầu bị dồn nén sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ; (ii) nhu cầu yếu do những thách thức đối với kinh tế vĩ mô (lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng); và (iii) chậm bàn giao iPhone 14 do quá trình sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn do áp dụng chính sách Zero-Covid. Chúng tôi ước tính doanh thu các sản phẩm của Apple lần lượt chiếm 11% và 15% doanh thu của mảng ICT & CE trong năm 2021 và 2022.
  • Số lượng cửa hàng mở mới giảm trong Q4.2022 do nhu cầu yếu và lãi suất tăng. Trong Q4.2022, MWG chỉ mở 45 cửa hàng TGDĐ, 38 cửa hàng ĐMX và 29 cửa hàng Topzone (so với 75 cửa hàng TGDĐ, 254 cửa hàng ĐMX và 61 cửa hàng Topzone trong 9T2022).
  • Về mảng kinh doanh nước ngoài, ban lãnh đạo quyết định đóng cửa chuỗi Bluetronics tại Campuchia (dự kiến trong Q1.2023) để tập trung nguồn lực cho chuỗi Erablue tại Indonesia. Chuỗi Bluetronics của MWG hiện là chuỗi lớn nhất tại Campuchia. Tuy nhiên, công ty vẫn đang phải ghi nhận lỗ cho chuỗi này do mức chi tiêu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm điện thoại và điện máy ở mức thấp. Khác với Việt Nam có mức chi tiêu cho hàng điện tử tiêu dùng tương đương với chi tiêu cho điện thoại di động (khoảng 5 tỷ USD mỗi năm), thì mức chi tiêu cho hàng điện tử tiêu dùng ở Indonesia thấp hơn nhiều so với điện thoại di động do thiếu các dịch vụ bảo hành, dịch vụ lắp đặt và giao hàng tận nơi. Thị trường điện tử tiêu dùng ở Indonesia khá phân mảnh với nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, trong khi các nhà bán lẻ thương mại hiện đại lớn nhất hiện nay chỉ sở hữu khoảng 60 cửa hàng. Về dài hạn, MWG có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại, cùng với việc tăng dần chi tiêu cho hàng điện tử tiêu dùng tại Indonesia.
  • Mặc dù doanh thu giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng từ 19% trong Q4.2021 lên 21% trong Q4.2022 nhờ sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm, trong đó các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn (như thiết bị nhà bếp) đóng góp nhiều hơn trong Q4.2022, trong khi các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn (như điện thoại di động) giảm. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q4.2022 giảm so với Q3.2022 do công ty phải giảm giá để thúc đẩy doanh thu trong bối cảnh nhu cầu suy yếu.

Chuỗi cửa hàng bách hóa (BHX) tăng trưởng bền vững sau tái cấu trúc:

  • Doanh thu tăng 26% so với cùng kỳ đạt 7 nghìn tỷ đồng trong Q4.2022 (so với mức giảm 12% trong 9T2022 từ mức nền cao trong năm 2021). So với Q3.2022, doanh thu giảm 3%. Doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1,35 tỷ đồng trong Q4.2022, đi ngang so với Q3.2022 nhưng cao hơn so với mức khoảng 950 triệu đến 1,1 tỷ đồng trong Q1-Q2.2022, điều này cho thấy sự cải thiện sau khi được tái cơ cấu.
  • Cuối Q4.2022, MWG có 1.728 cửa hàng BHX, số lượng cửa hàng BHX mở mới không đáng kể do lãi suất tăng và công ty cần thêm thời gian để tối ưu hóa hoạt động của các cửa hàng hiện có.
  • Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 27% trong Q4.2022, tương đương với Q4.2021, nhưng cao hơn mức 25% trong Q3.2022 do các nhà cung cấp trả ưu đãi cho MWG cho năm 2022.
  • Trong Q2.2022 và Q3.2022, công ty đã đóng cửa khoảng 400 cửa hàng hoạt động không hiệu quả và cơ cấu lại các cửa hàng còn lại (thay đổi cách bố trí cửa hàng để tạo trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn, cải thiện chất lượng thực phẩm và dịch vụ, thay đổi danh mục sản phẩm). Chi phí bất thường phát sinh liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả là 500 tỷ đồng và được ghi nhận trong Q2 và Q3.2022. Nếu loại trừ các chi phí phát sinh này, chúng tôi ước tính tỷ suất lợi nhuận trước thuế trong Q4.2022 của BHX là -7,1%, cải thiện 0,9% so với Q3.2022 và 2% so với nửa đầu năm 2022.
  • Xét về doanh thu trên mỗi cửa hàng, BHX hoạt động tốt hơn đối thủ Winmart. Mặc dù Winmart đã mở mới 657 cửa hàng trong năm 2022, nhưng doanh thu lại giảm 5% so với cùng kỳ. Đồng thời, MWG đã đóng cửa khoảng 400 cửa hàng trong năm 2022 và doanh thu bách hóa cũng giảm 5% so với cùng kỳ trong giai đoạn này. Điều này cho thấy, trong năm 2022, doanh thu/cửa hàng BHX được cải thiện còn doanh thu của Winmart giảm sút.

Tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể cải thiện từ 20,4% trong Q4.2021 lên 25,9% so với cùng kỳ trong Q4.2022 do: (i) doanh thu từ mảng bách hóa cao hơn mang lại tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn so với mảng ICT&CE; và (ii) sự khác biệt trong cách ghi nhận của kế toán đối với các hình thức khuyến mãi khác nhau ở cả mảng ICT&CE và mảng bách hóa. Trong Q4.2021, MWG áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận gộp. Trong khi đó trong Q4.2022, công ty triển khai khuyến mãi tặng kèm hàng, điều này không ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp, nhưng ảnh hưởng đến chi phí bán hàng và quản lý. Do đó, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu tăng mạnh từ 15,3% trong Q4.2021 lên 22,5% so với cùng kỳ trong Q4.2022.

Doanh thu tài chính ròng giảm từ 159 tỷ đồng xuống mức âm 70 tỷ đồng so với cùng kỳ trong Q4.2022. Lãi suất tăng khoảng 50-100 điểm cơ bản trong Q4.2022 (300-400 điểm cơ bản trong năm 2022) và MWG phải vay nợ với thời hạn dài hơn để đảm bảo dòng tiền ổn định trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng thắt chặt. Trước đây, MWG vay vốn lưu động với kỳ hạn từ 3-6 tháng, nhưng trong Q4.2022 công ty đã kéo dài kỳ hạn lên 12 tháng. Trong khi đó, đồng USD mất giá 1,3% trong Q4.2022, giúp công ty mang lại khoản lãi tỷ giá, bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập tài chính ròng.

Với doanh thu kém khả quan trong bối cảnh lãi suất tăng cao, MWG đã giảm tỷ lệ D/E từ 1,2x trong năm 2021 xuống 0,7x trong năm 2022. Mức hàng tồn kho trong năm 2022 đã giảm 12% so với cùng kỳ khi xét theo giá trị tuyệt đối, mặc dù vòng quay hàng tồn kho được tăng từ 93 ngày trong năm 2021 lên 98 ngày trong năm 2022.

Triển vọng năm 2023

Đối diện với một năm khó khăn phía trước, ban lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch cho doanh thu thuần và thu nhập ròng lần lượt là khoảng 135-150 nghìn tỷ đồng (+1%-12% so với cùng kỳ) và khoảng 4,2-4,7 nghìn tỷ đồng (+2- 15% so với cùng kỳ). Cổ phiếu ESOP cho năm 2023 có thể sẽ chỉ được phát hành nếu công ty đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ít nhất là 10% so với cùng kỳ.