CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST): Hành khách nội địa dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình phục hồi

Nguồn: VCSC

Hành khách nội địa dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình phục hồi

 

AST

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,0% giá mục tiêu dành cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) xuống 65.200 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN khi giá cổ phiếu của công ty đã giảm 10% trong 3 tháng qua.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do dự báo tổng LNST giai đoạn 2022-2030 của chúng tôi thấp hơn 8,4% và được bù đắp một phần bởi hiệu ứng tích cực của việc cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến giữa năm 2023 so với cuối năm 2022 như trước đó.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo doanh thu năm 2022/2023 của AST lần lượt là 10,5% và 4,5% xuống 613 tỷ đồng (+298% YoY) và 1 nghìn tỷ đồng (+66% YoY), khi chúng tôi giảm dự phóng doanh số từ cửa hàng hiện hữu (SSS) tương ứng 45% và 75% của năm 2019 so với 50% và 80% trước đây. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm 63,0% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2022 của AST giảm xuống 13 tỷ đồng và giảm 14,8% LNST sau lợi ích CĐTS 2023 xuống 126 tỷ đồng chủ yếu do chúng tôi dự phóng biên LN gộp thấp hơn cho hoạt động kinh doanh bán lẻ sân bay do tỷ lệ đòn bẩy hoạt động cao trong khi dự báo doanh thu giai đoạn 2022-2023 của chúng tôi thấp hơn.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 7,3% tổng dự báo LNST giai đoạn 2024-2030 của chúng tôi, chủ yếu là do dự phóng SSSG thấp hơn cho mảng kinh doanh bán lẻ sân bay (7%/7%/5%/5%/5%/5%/5 % so với trước đây là 9%/9%/7%/7%/7%/7%/7% trong giai đoạn 2025-2030). Các giả định của chúng tôi dựa trên dự báo của chúng tôi về sự phục hồi chậm hơn dự kiến của số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh các bất ổn xung quanh chính sách zero-COVID của Trung Quốc và xung đột Ukraine-Nga.
  • Rủi ro: Xung đột địa chính trị kéo dài hơn dự kiến ở châu Âu có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế toàn cầu; lạm phát gia tăng có thể làm giảm sức mua của khách hàng.

Lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn dự báo mặc dù Chính phủ ban hành các chính sách linh hoạt hơn. Kể từ đầu năm 2022, Việt Nam đã dần nới lỏng yêu cầu đối với các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh. Ngày 15/02/2022, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế và khôi phục các đường bay về trạng thái trước đại dịch. Ngày 15/03/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế về di chuyển và yêu cầu đối với các tour du lịch đăng ký trước đối với khách du lịch nước ngoài. Sau đó, Việt Nam cũng dỡ bỏ yêu cầu khai báo sức khỏe tại sân bay và xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay lần lượt vào các ngày 26/04 và 15/05/2022. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ tương đương 5,0% mức năm 2019, mà chúng tôi cho là do (1) chính sách zero-COVID của Trung Quốc khi Việt Nam phụ thuộc vào du khách Trung Quốc (chiếm 32% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019), (2) xung đột Ukraine-Nga ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của du khách Nga (4% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019) và (3) giá dầu thô cao hơn đã làm tăng chi phí đi lại bằng đường hàng không.

Khách du lịch nội địa sẽ là động lực chính cho các hoạt động kinh doanh của AST trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi ngành hàng không Việt Nam. Chúng tôi đánh giá tích cực về khả năng phục hồi của AST khi ban lãnh đạo cho biết số lượng khách du lịch nội địa cao hơn khoảng 10% mức trung bình năm 2019 trong 5 tháng đầu năm 2022 đối với 7 sân bay mà AST có sự hiện diện.