CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST): Kế hoạch phục hồi phù hợp thực tế

Nguồn: VCSC

Kế hoạch phục hồi phù hợp thực tế

 

AST

 

  • CTCP Dịch vụ Hàng không TASECO (AST) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên tại Hà Nội vào ngày 23/06/2022.
  • Ban lãnh đạo đưa ra kế hoạch doanh thu là 622 tỷ đồng (+311% YoY) và LNTT là 23 tỷ đồng (+118% YoY) trong năm 2022. Kế hoạch doanh thu của AST đạt 92% dự báo cả năm của chúng tôi là 685 tỷ đồng, và kế hoạch LNTT của AST đạt 60% dự báo cả năm của chúng tôi là 39 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo LNTT năm 2022 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Các cổ đông đã thông qua quyết định không trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại của năm 2021 nhưng đã thông qua việc phân bổ 3% doanh thu cho quỹ khen thưởng và phúc lợi trong năm 2022 sau khi không phân bổ cho quỹ này trong năm trước.
  • ĐHCĐ đã ủy quyền cho HĐQT của AST phê duyệt các hợp đồng, giao dịch đơn lẻ hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch trong 12 tháng tiếp theo đạt đến 35% tổng tài sản của công ty. Nhờ vào việc ủy quyền này, việc đưa ra quyết định cho các hoạt động của công ty sẽ linh hoạt và kịp thời hơn khi công ty đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Doanh thu từ hành khách trong nước tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của AST. Theo ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh bán lẻ tại sân bay của AST trong quý 2/2022 đã có sự phục hồi vững chắc nhờ phân khúc trong nước đã phục hồi hoàn toàn. Đối với mảng quốc tế, ban lãnh đạo chia sẻ rằng trong số 7 sân bay mà AST đang khai thác, Sân bay Quốc tế Nội Bài (HAN) và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) trong tháng 6 đã đón số lượng chuyến bay quốc tế lên tới 24% và 30% so với con số tương ứng thời điểm trước dịch COVID-19. Ngoài ra, hãng hàng không Korean Air đã nối lại đường bay đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng (DAD) vào ngày 22/6; do đó, ban lãnh đạo dự kiến DAD sẽ đón gấp đôi số chuyến bay quốc tế hàng tháng trong tháng Bảy. Về KQKD, ban lãnh đạo công bố rằng AST bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương, lần lượt ở mức 5 tỷ đồng và 12 tỷ đồng trong tháng 5 và tháng 6/2022; tuy nhiên, số liệu này bao gồm lợi nhuận bất thường từ việc hoàn trả phí nhượng quyền đã trả trước cho các cơ sở cho thuê chưa sử dụng. Do đó, ban lãnh đạo tin tưởng rằng AST có thể đạt điểm hòa vốn với khoản lỗ lũy kế từ đầu năm ngay từ quý 3/2022. Tính đến quý 1/2022, lỗ lũy kế từ đầu năm của AST là 21 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo đang tìm cách nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng để tăng công suất và giành thị phần - với sự chuyển hướng sang dịch vụ ăn uống. Trong thời gian còn lại của năm 2022, AST đang có kế hoạch vận hành tổng cộng 6 cửa hàng tại SGN - 2 trong số này là cửa hàng miễn thuế và đang trong quá trình thành lập trong năm 2022. Ngoài ra, AST đang đấu thầu thêm 4 cửa hàng miễn thuế mới khác, 3 trong số này được lên kế hoạch phục vụ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu phục vụ ăn uống tại chỗ ngày càng tăng. Thêm vào đó, ban lãnh đạo có kế hoạch mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài (HUI) ở Huế, sẽ mở cửa trở lại vào nửa cuối 2022; tuy nhiên, không có thêm chi tiết nào được tiết lộ. Về chiến lược M&A, AST đang hoàn tất việc mua lại một đối thủ cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ tại sân bay để tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ ăn uống tại chỗ. Việc mua lại 51% vốn chủ sở hữu của người bán dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022, diễn biến này sẽ đóng góp doanh thu 50 tỷ đồng và LNTT 12 tỷ đồng vào KQKD hợp nhất năm 2022 của AST, theo ban lãnh đạo.

Mảng kinh doanh suất ăn hàng không vẫn phụ thuộc vào sự phục hồi của lượng hành khách quốc tế. Khách nước ngoài đã quay trở lại Việt Nam, mặc dù với số lượng thấp so với trước dịch COVID-19. Ban lãnh đạo cho biết hoạt động kinh doanh của VINACS tại Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CXR) đang bị suy giảm do không có khách từ Trung Quốc và Nga - 2 nguồn khách du lịch nước ngoài chính của khu vực. Trong khi đó, sân bay HAN không bị ảnh hưởng đáng kể bởi lượng khách du lịch từ Trung Quốc thấp; ngoài ra, HĐKD của AST tại HAN đã bắt đầu có lãi vào tháng 4/ 2022. Do tình hình dịch COVID-19 hiện tại ở Trung Quốc vẫn còn nhiều bất ổn, ban lãnh đạo đang kỳ vọng vào giai đoạn cuối năm để số lượng khách Trung Quốc phục hồi, lượng khách này chiếm 33% khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019. Xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra cũng gây thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh của VINACS khi du khách Nga thường chiếm tỷ trọng cao tại CXR. Do đó, VINACS chỉ đặt kế hoạch doanh thu 130 tỷ đồng và lỗ ròng 20 tỷ đồng trong năm 2022.

Các diễn biến mới gần đây về cơ chế xác định phí nhượng quyền sẽ không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận của AST. Ngày 27/05, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 06/2022/BGTVT điều chỉnh khung mức phí đối với một số dịch vụ hàng không, trong đó có dịch vụ bán lẻ hàng không tại nhà ga quốc tế và dịch vụ ăn uống hàng không. Trước đây, các khoản phí này được thương lượng giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và bên nhận nhượng quyền (bao gồm AST). Theo quy định mới, phí nhượng quyền cho dịch vụ ăn uống hàng không do Bô GTVT quy định và dao động từ 75.000 đồng đến 225.000 đồng cho mỗi chuyến bay. Hiện tại, phí của VINACS là 75.000 đồng/chuyến bay. Ban lãnh đạo cho biết đã lắng nghe ý kiến từ AST cũng như các bên thuê quy mô lớn khác để đưa ra lộ trình phí sẽ được áp dụng tăng dần. Do đó, AST lạc quan rằng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ có đủ thời gian để thích ứng với những thay đổi này. Ngoài ra, phí nhượng quyền cho các mảng bán lẻ tại sân bay của AST tại các sân bay quốc tế sẽ thay đổi từ phương thức thanh toán cố định sang phương thức chia sẻ doanh thu.

Mảng khách sạn của AST đang kỳ vọng sự trở lại của du khách Trung Quốc cho đà phục hồi. Ban lãnh đạo cho biết tỷ lệ lấp đầy condotel A La Carte Đà Nẵng của AST lần lượt là 50% và 70% trong tháng 5 và tháng 6/2022, với mức tăng đột biến lên đến 100% tại một số thời điểm. Về lợi nhuận của A La Carte, ban lãnh đạo chia sẻ rằng giá không tăng do lượng khách quốc tế khiêm tốn tính đến tháng 6/2022. Tổng thể, mảng khách sạn ghi nhận doanh thu 10 tỷ đồng nhưng ghi nhận lỗ 4 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2022. Về vấn đề phát triển của phân khúc khách sạn, AST chia sẻ rằng Tập đoàn Taseco dự định triển khai các dự án khách sạn - nghỉ dưỡng trong tương lai dưới một đơn vị khác để dễ quản lý và phân loại rõ ràng hơn KQKD. Chúng tôi lưu ý rằng A La Carte Đà Nẵng và A La Carte Hạ Long hiện vẫn thuộc quyền quản lý lần lượt của AST và Tập đoàn Taseco.