CTCP Điện Gia Lai (GEG): Điều chỉnh giá mục tiêu do biểu giá thấp hơn cho nhà máy điện chuyển tiếp

Nguồn: VCSC

Điều chỉnh giá mục tiêu do biểu giá thấp hơn cho nhà máy điện chuyển tiếp

 

GEG

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 15% giá mục tiêu xuống 12.900 đồng/cổ phiếu và điều chỉnh hạ khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho CTCP Điện Gia Lai (GEG).
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi là do chúng tôi điều chỉnh giảm 20% dự báo tổng LNST giai đoạn 2023-2032, do chúng tôi giảm giả định giá bán điện trung bình khoảng 13% đối với các dự án điện tái tạo sắp tới của GEG trong giai đoạn dự báo để phản ánh cơ chế giá mới của Bộ Công Thương quy định vào tháng 01/2023.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ tăng 24% YoY với lợi nhuận cao hơn từ mảng điện mặt trời và 4 trang trại điện gió hiện hữu (130 MW) của GEG dù dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) có khả năng ghi nhận lỗ, và chúng tôi cho rằng nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành từ giữa năm 2023. Trong khi đó, chúng tôi dự báo LNST báo cáo năm 2023 sẽ giảm 21% YoY khi GEG không ghi nhận lãi thoái vốn như trong năm 2022.

  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS 21% trong giai đoạn 2023-2027, chủ yếu nhờ GEG tăng gấp đôi công suất điện gió từ 2 trang trại điện gió mới (130 MW) được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2023-2025, hoạt động ổn định từ 5 trang trại điện mặt trời và 12 nhà máy thủy điện, cũng như dự báo chi phí lãi giảm.
  • Yếu tố hỗ trợ: Trang trại điện gió VPL2 và điện mặt trời TTC Đức Huệ 2 đưa vào vận hành sớm hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Tiếp tục trì hoãn việc đưa nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 vào vận hành.

Chúng tôi kỳ vọng dự án điện gió Tân Phú Đông 1 sẽ đưa vào vận hành từ giữa năm 2023. GEG đã hoàn thành công tác xây dựng trang trại điện gió này trong quý 4/2022 với tổng chi phí đầu tư là 4,4 nghìn tỷ đồng. Theo công ty, Tân Phú Đông 1 gần đây đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm 24 tua-bin gió và sẽ sớm thương lượng giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do đây là dự án điện gió chuyển tiếp, Tân Phú Đông 1 sẽ được áp dụng cơ chế giá mới.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biểu giá cho Tân Phú Đông 1 và VPL 2. Tân Phú Đông 1 được xem là “dự án điện tái tạo chuyển tiếp” do dự án không kịp thời hạn đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 để hưởng giá FiT ưu đãi. Do đó, giá bán sẽ áp dụng theo biểu giá mới do Bộ Công Thương ban hành ngày 07/01/2023, thấp hơn 17%-29% so với biểu giá FiT ưu đãi trước đây. Trong Báo cáo cập nhật này, chúng tôi giả định biểu giá mới cho dự án điện gió Tân Phú Đông 1 sẽ là 1.816 đồng/kWh — mức giá trần cho các trang trại điện gió gần bờ/ngoài khơi, thấp hơn khoảng 13% so với giả định giá trung bình trước đây của chúng tôi trong giai đoạn dự báo 10 năm. Mức giảm này một phần do giả định biểu giá trước đây của chúng tôi tính theo USD thay vì VND (nhằm phù hợp với ưu đãi đầu tư trước đây cho các dự án năng lượng tái tạo) với những điều chỉnh về rủi ro VND có thể mất giá so với USD trong tương lai. Do đó, chúng tôi ước tính tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án giảm từ khoảng 10% xuống khoảng 8%. Chúng tôi cũng giảm biểu giá tương ứng cho VPL 2.