CTCP Điện Gia Lai (GEG): Tái cơ cấu dư nợ để giảm lãi vay

Nguồn: VCSC

Tái cơ cấu dư nợ để giảm lãi vay

 

GEG

 

29 cổ đông đại diện cho 83% cổ phần đã tham dự ĐHCĐ của CTCP Điện Gia Lai (GEG) vào ngày 26/4.

GEG đưa ra kế hoạch doanh thu năm 2023 là 2.785 tỷ đồng (+33% YoY) và LNST trước lợi ích CĐTS là 155 tỷ đồng (-58% YoY), tương ứng 102% và 52% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng chênh lệch đáng kể giữa kế hoạch LNST trước lợi ích CĐTS của GEG và dự báo của chúng tôi là do GEG dự báo cao hơn về giá vốn hàng bán và chi phí tài chính cũng như dự báo thấp hơn về doanh thu mảng thủy điện năm 2023. Chi phí tài chính dự kiến của GEG năm 2023 (khoảng 1.098 tỷ đồng) cao hơn 6% so với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận năm 2023 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

ĐHCĐ đã thông qua mức cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 là 6% và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 tỷ lệ tối đa 6% vốn điều lệ.

ĐHCĐ cũng thông qua mức cổ tức năm 2023 cho cổ phiếu ưu đãi ở mức 6%*(100% + hệ số điều chỉnh) trên mệnh giá, trong đó hệ số điều chỉnh sẽ được quyết định theo thỏa thuận giữa cổ đông ưu đãi (Deutsche Investitions - und Entwicklungsgesellschaft mbH) và GEG.

Trong năm 2023, GEG có kế hoạch bắt đầu tái cấu trúc khoản nợ (khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng) thành các khoản vay xanh/liên kết với ESG để giảm lãi suất trung bình khoảng 2%-3%. Chúng tôi lưu ý rằng vào năm 2022, GEG đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 9 triệu USD (với lãi suất cố định là 9,5%/năm và đáo hạn vào tháng 11/2025) do Symbiotics Investments – nền tảng đầu tư tại các thị trường mới nổi – sắp xếp.

GEG đặt mục tiêu đưa nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 công suất 100 MW vào vận hành trong quý 2/2023. Theo ban lãnh đạo, GEG đã hoàn thành 2/4 vòng đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). GEG đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận với công ty điện lực Nhà nước vào quý 2/2023 và đạt được mức giá tương ứng tổng IRR của Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2 (tổng công suất 150 MW) là khoảng 12%. Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW) đã đi vào hoạt động từ quý 4/2021 và đạt được biểu giá Feed-in-tariff (FiT) là 9,8 US cent/kWh trong 20 năm.

GEG có kế hoạch phát triển dự án điện mặt trời TTC Đức Huệ 2 (49 MWp) sau khi Quy hoạch Điện VIII (QHĐ VIII) của Việt Nam được phê duyệt, mà ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ được phê duyệt trong nửa cuối năm 2023. Dự án này tương ứng yếu tố hỗ trợ cho mô hình định giá của chúng tôi.

Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo ban lãnh đạo, GEG hiện có một số dự án thủy điện đang được đánh giá để tiến hành M&A. Thông tin chi tiết chưa được công bố.

Công ty điện lực Nhật Bản JERA – cổ đông nước ngoài lớn nhất của GEG (35% cổ phần), có kế hoạch hỗ trợ GEG về kỹ thuật và tài chính để mở rộng công suất điện của công ty. Cụ thể, JERA cam kết chủ động hỗ trợ GEG phát triển các dự án điện từ hydro, một loại năng lượng tái tạo mới đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao và hỗ trợ tài chính lớn. Ngoài ra, JERA đặt mục tiêu hỗ trợ GEG trong việc huy động vốn quốc tế — đặc biệt là từ Nhật Bản — để có được chi phí vay thấp hơn nhằm tài trợ cho các dự án trong tương lai của công ty.

GEG đã loại phương án phát hành quyền (tỷ lệ 1:0,0566 với giá 10.500 đồng/cổ phiếu) trong tài liệu ĐHCĐ trước đây.