CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2): Lợi nhuận năm 2022 khả quan hỗ trợ chi trả cổ tức

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận năm 2022 khả quan hỗ trợ chi trả cổ tức

 

NT2

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) thêm 3,3% lên 31.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA do chúng tôi nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023-2027 thêm 3%. Ngoài ra, chúng tôi nâng dự báo tổng LNST điều chỉnh giai đoạn 2023-2027 thêm 1%.
  • Dự báo tổng LNST cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi dự phóng hoàn nhập dự phòng nợ xấu và thu nhập từ lãi cao hơn cũng như giảm giả định giá khí.
  • Chúng tôi dự báo LNST điều chỉnh năm 2023 tăng 27% YoY với sự cạnh tranh từ mảng thủy điện giảm, hỗ trợ sản lượng tăng thêm 10% YoY sau khi sản lượng phục hồi 27% YoY trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi dự báo giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) tăng sẽ bù đắp cho giá khí tăng.
  • Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với lợi thế chi phí của NT2 so với các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than khác bất chấp sự cạnh tranh từ mảng năng lượng tái tạo và giá khí tăng. Với bảng CĐKT không có nợ vay, chúng tôi dự phóng NT2 sẽ có lợi suất cổ tức tăng (10,7% trong năm 2023). Tính đến ngày 31/12/2022, NT2 có khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng tiền mặt khả dụng cho việc chi trả cổ tức.
  • NT2 hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2023 là 5,7 lần – thấp hơn đáng kể so với trung vị EV/EBITDA trung bình 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 9,3 lần. P/E năm 2023 của NT2 cũng ở mức thấp là 10,4 lần.
  • Yếu tố hỗ trợ: Chi trả cổ tức cao hơn so với giả định của chúng tôi.
  • Rủi ro: Không hoàn nhập dự phòng nợ xấu trong năm 2023 và 2024.

Chúng tôi dự báo mức tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng 8%-9% YoY trong giai đoạn 2023-2024 và giá CGM sẽ tăng cao hơn. Chúng tôi cho rằng NT2 là một trong những nhà máy điện khí hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam và sẽ có hiệu suất hoạt động cao hơn (khoảng 70%-82% trong giai đoạn 2023-2026 so với 63% trong năm 2022) do 1) điều kiện thời tiết mang tính trung tính hơn (như lượng mưa ít hơn trong 3 năm tới so với mức cơ sở cao trong năm 2021-2022) và 2) nguy cơ thiếu điện nhẹ vào năm 2023 khi chúng tôi ước tính mức tăng trưởng công suất điện cả nước là khoảng 4%/10% vào các năm 2022/2023 so với 10%-20% trong 2020-2021. Chúng tôi giả định giá CGM sẽ tăng 7% YoY trong năm 2023, điều này sẽ bù đắp cho diễn biến giá khí tăng cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi dự báo giá khí đốt sẽ tăng 7% YoY lên 10 USD/MMBTU, thấp hơn 13% so với dự báo trước đây của chúng tôi.

Chúng tôi kỳ vọng NT2 sẽ hoàn nhập dự phòng nợ xấu vào năm 2023 và 2024. Chúng tôi ước tính tổng nợ xấu của NT2 vào khoảng 450 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2022), nguyên nhân là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ chối thanh toán giá cước vận chuyển 0,52 USD/MMBTU cho NT2 liên quan đến đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Hồ Chí Minh mà NT2 vốn không sử dụng. NT2 đã trích lập dự phòng 240 tỷ đồng vào năm 2022. Chúng tôi giả định NT2 sẽ ghi nhận thêm 210 tỷ đồng cho phần còn lại của số dư nợ trong năm 2023 trong khi chờ các chỉ đạo tiếp theo từ Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng NT2 sẽ hoàn nhập các khoản dự phòng này vào năm 2023 và 2024 (50%/năm), điều này một phần dẫn đến dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi cao hơn.