Nguồn: VCSC
Triển vọng năm 2023 khả quan sẽ hỗ trợ cổ tức cao hơn
- Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cho NT2 ở mức 30.000 đồng/CP và giữ khuyến nghị MUA do tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2023 bù đắp cho việc chúng tôi tăng giả định phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu thêm 100 điểm cơ bản. Chúng tôi duy trì dự báo LNST điều chỉnh cho giai đoạn 2022-2026.
- Chúng tôi nâng dự báo LNST điều chỉnh năm 2022 thêm 1% dựa trên giả định giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) cao hơn và giá khí giảm nhẹ. Tuy nhiên, chúng tôi giảm dự báo LNST báo cáo năm 2022F thêm 1% do trích lập dự phòng bất ngờ cho khoản nợ xấu ngoài dự kiến được ghi nhận trong KQKD quý 3.
- Chúng tôi dự báo LNST điều chỉnh năm 2023 sẽ tăng 13% YoY với sự cạnh tranh ít hơn từ thủy điện, năng lượng tái tạo phát triển chậm trong ngắn hạn có thể hỗ trợ sản lượng điện thương phẩm tiếp tục tăng 7% YoY sau khi phục hồi mạnh 31% YoY trong năm 2022.
- Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về NT2 bất chấp sự cạnh tranh dài hạn từ năng lượng tái tạo và giá khí cao hơn. Với bảng cân đối kế toán không có nợ vay, chúng tôi dự báo NT2 sẽ có lợi suất cổ tức tăng lần lượt là 7,8%/11,7% trong năm 2022/2023. Lợi suất cổ tức năm 2023 tương ứng giá mục tiêu của chúng tôi đạt khoảng 10,0%, cạnh tranh so với lãi suất tiền gửi ngân hàng trung bình 12 tháng là 7%-8%. Tính đến ngày 30/09/2022, NT2 có 800 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức.
- NT2 đang giao dịch với EV/EBITDA dự kiến năm 2023 là 4,7 lần – thấp hơn đáng kể so với trung vị EV/EBITDA trung bình 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 10,2 lần. P/E năm 2023 của NT2 cũng ở mức thấp là 8,0 lần.
- Yếu tố hỗ trợ: chia trả cổ tức cao hơn so với giả định của chúng tôi.
- Rủi ro: Không hoàn nhập dự phòng nợ xấu vào năm 2023; sản lượng hợp đồng thấp hơn dự kiến vào năm 2023.
Chúng tôi dự báo lượng tiêu thụ điện của Việt Nam tăng 8-9% YoY trong giai đoạn 2023-2025 và giá CGM tăng. Chúng tôi cho rằng NT2 là một trong những nhà máy điện khí có hiệu quả cao nhất tại Việt Nam sẽ có hiệu suất hoạt động cao hơn (ở mức 72%-82% trong giai đoạn 2023-2025 so với 67% trong năm 2022) do 1) cơ chế định giá mới cho mảng năng lượng tái tạo và Tổng Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam VIII phê duyệt chậm, 2) thời tiết có thể trung hòa hơn (lượng mua thấp hơn trong 3 năm tiếp theo so với mức cơ sở cao trong giai đoạn 2021-2022) và 3) rủi ro thiếu điện nhẹ trong năm 2023 do chúng tôi ước tính tăng trưởng công suất cả nước đạt khoảng 4%/8% trong các năm 2022/2023 so với 10%-20% trong các năm 2020&2021. Chúng tôi giả định giá CGM sẽ tăng 5-9%/năm, một phần nhờ giá khí & than tăng.
Chúng tôi kỳ vọng NT2 sẽ hoàn nhập dự phòng nợ xấu trong năm 2023. NT2 ước tính khoản nợ xấu đạt khoảng 360 tỷ đồng do EVN từ chối thanh toán phí vận chuyển 0,52 USD/MMBTU cho NT2 đối với đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Hồ Chí Minh. Dựa theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, NT2 phải trích lập chi phí dự phòng 187 tỷ đồng trong khoản mục chi phí SG&A trong quý 3/2022. Chúng tôi giả định Chính phủ sẽ đưa ra hướng dẫn mới trong năm 2023, và NT2 sẽ sớm được phép hoàn nhập khoản chi phí dự phòng này trong tương lai.