CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD): Mảng thuốc điều trị ung thư mang lại tăng trưởng

Nguồn: SSI

Mảng thuốc điều trị ung thư mang lại tăng trưởng

 

DBD

 

Cập nhật KQKD năm 2022

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần đi ngang ở mức 1.555 tỷ đồng, nhưng một số sản phẩm tăng trưởng vượt trội hơn. Mức tăng trưởng mạnh đến từ các sản phẩm chủ lực như kháng sinh (+46% so với cùng kỳ), thuốc điều trị ung thư (+63% so với cùng kỳ) và dung dịch lọc máu (+27% so với cùng kỳ). Dây chuyền mới dành cho sản xuất thuốc điều trị ung thư ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng khi hoạt động tới 60% công suất chỉ sau một năm. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ việc công ty đã tận dụng việc nhập khẩu thuốc suy giảm trong năm 2022 để giành thị phần từ các đối thủ nước ngoài. Mặt khác, mảng phân phối (vật tư y tế và thuốc) giảm mạnh xuống còn 116 tỷ đồng (-74% so với cùng kỳ) do thu hẹp quy mô, cũng như khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế tại các bệnh viện công cả nước.

Tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng tăng cao trong năm, nhờ vào các mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Lợi nhuận gộp đạt 767 tỷ đồng (+23% so với cùng kỳ), với biên lợi nhuận gộp tăng từ 40% lên 49% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 299 tỷ đồng (+29% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận ròng tăng từ 15% lên 19% do sự tăng doanh thu từ các sản phẩm có lãi hơn và việc giảm kinh doanh sản phẩm có lãi thấp (ví dụ như biên lợi nhuận gộp của hàng phân phối chỉ trong khoảng 10%-13%). Chi phí bán hàng tăng lên mức cao nhất trong các năm gần đây (tăng từ 18% lên 23% của doanh thu thuần) do công ty áp dụng chính sách hoa hồng và lương/thưởng cao hơn để tăng số lượng nhà thuốc và thúc đẩy doanh số bán hàng tại các nhà thuốc. Chúng tôi lưu ý rằng mức biên lợi nhuận này cao hơn so với các công ty như IMP hay TRA.

Triển vọng năm 2023

Theo ban lãnh đạo, tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 dự kiến sẽ giảm. Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu sẽ đạt 1.760 tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 255 tỷ đồng (-17% so với cùng kỳ). Điều này tương đương với việc biên lợi nhuận trước thuế giảm từ 19% trong năm 2022 xuống mức 15%, bằng với năm 2021. Đối với nhóm sản phẩm chủ lực, công ty dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại hoặc không có tăng trưởng, ngoại trừ mảng thuốc điều trị ung thư và dung dịch lọc máu đạt tăng trưởng lần lượt là 15% và 20%. Sự giảm tốc này được dự báo dựa trên việc các đối thủ thuốc nhập khẩu sẽ đẩy mạnh cạnh tranh mở rộng thị phần sau hai năm doanh thu sụt giảm (do việc gia hạn đăng ký thuốc kéo dài và khó khăn trong quá trình đấu thầu thuốc tại bệnh viện công. Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết những vấn đề này).

Đối với các sản phẩm khác (như vitamin, thuốc hạ sốt, thuốc da liễu), chúng tôi cho rằng nhu cầu sẽ giảm do điều kiện kinh tế chung suy yếu cũng như thương hiệu của DBD chưa được mạnh như các công ty khác. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng DBD vẫn còn khả năng tăng doanh thu kênh OTC bằng cách mở rộng số lượng điểm nhà thuốc. Hiện tại, công ty cung cấp cho khoảng 19.000 nhà thuốc và đặt mục tiêu 21.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào cuối năm nay. Doanh thu hàng phân phối dự kiến ở mức thấp (khoảng 100 tỷ đồng), do ban lãnh đạo ưu tiên chú trọng vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn.

Chứng nhận EU-GMP cho dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư của DBD bị lùi lại, với thời gian dự kiến mới vào năm 2025 (khung thời gian ban đầu là năm 2023 đối với dây chuyền sản xuất thuốc tiêm). Chứng nhận nhằm mục đích nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, qua đó tăng cơ hội nâng giá bán của sản phẩm. Công ty đã có đợt đánh giá vào cuối năm 2022 và nhận được phản hồi để có thể cải thiện. Trong năm 2023, chi phí CAPEX ước tính là 210 tỷ đồng cho cả việc nâng cấp các dây chuyền hiện tại và xây dựng các dây chuyền mới (tòa nhà văn phòng cho thuê 34 Ngô Mây, phân xưởng thuốc Non-Betalactam và dây chuyền sản xuất thuốc tiêm vô trùng).

Định giá và luận điểm đầu tư

DBD có tiềm năng trở thành công ty dẫn đầu trong các nhà cung cấp thuốc điều trị ung thư của Việt Nam. Tăng trưởng doanh thu mảng thuốc ung thư của công ty trong năm 2021 là 40% và năm 2022 là 63% (Doanh thu năm 2022 đạt 291 tỷ đồng, 12 triệu USD). Ung thư là mối quan tâm của toàn cầu và số bệnh nhân ung thư đang tăng nhanh ở Việt Nam1 với chi phí điều trị rất tốn kém. Phần lớn các loại thuốc điều trị ung thư được nhập khẩu, tạo ra gánh nặng đáng kể cho ngân sách Y tế nước nhà. DBD có tiềm năng sản xuất thuốc ung thư hiệu quả với giá cả hợp lý thay thế thuốc nhập khẩu, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Với việc nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc ung thư lên tiêu chuẩn EU-GMP, các tiêu chuẩn về chất lượng thuốc của DBD cũng sẽ được nâng lên, giúp các bác sĩ tin tưởng sử dụng nhiều hơn thuốc của DBD trong các phác đồ điều trị ung thư. Chúng tôi ước tính rằng DBD hiện đang nắm 4% thị phần thuốc điều trị ung thư, do đó còn nhiều dư địa để phát triển.

Công ty có một số hướng đi tiềm năng trong tương lai. Thứ nhất, với lợi thế là nhà cung cấp cho bệnh viện các sản phẩm dung dịch lọc máu nên có thể tham gia thêm mảng phân phối máy lọc máu, hiện đang có nhu cầu khá lớn2 . Thứ hai, DBD có thể tìm một đối tác chiến lược là một công ty dược phẩm nước ngoài, giúp công ty có được sự tăng trưởng bền vững hơn.

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu DBD là 43.900 đồng/cổ phiếu, dựa trên hai phương pháp định giá DCF và P/E với mức P/E mục tiêu là 12x. Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và LNST năm 2023 sẽ lần lượt đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+4% so với cùng kỳ, 68 triệu USD) và 242 tỷ đồng (-1% so với cùng kỳ, 10 triệu USD), với giả định cạnh tranh gay gắt từ thuốc nhập khẩu, giá API trên thế giới tăng nhẹ và chi phí bán hàng tiếp tục cao do chiến lược mở rộng kênh OTC. Cụ thể hơn, chúng tôi dự phóng mức tăng trưởng doanh thu đến từ thuốc điều trị ung thư là +15% so với cùng kỳ và dung dịch lọc máu là +5% so với cùng kỳ, các mảng còn lại đi ngang và chi phí bán hàng ở mức 21% doanh thu thuần. Với tiềm năng tăng giá là 8,4%, chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu DBD.