CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS): Cập nhật Đại hội Cổ đông

Nguồn: SSI

Cập nhật Đại hội Cổ đông 

 

QNS

 

QNS đã tổ chức ĐHCĐ thường niên vào ngày 1/4/2023. Tất cả các đề xuất đều được cổ đông thông qua, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2023, kế hoạch phân bổ lợi nhuận cho giai đoạn 2022-2023, và phát hành ESOP trong năm 2023.

Kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 được đặt lần lượt là 8,4 nghìn tỷ đồng (+1% svck) và 1 nghìn tỷ đồng (-16% svck). Chúng tôi cũng xin lưu ý QNS thường đặt kế hoạch thận trọng, và lợi nhuận thực tế thường vượt kế hoạch đặt ra. Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của QNS sẽ đạt lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (+9% svck) và 1,4 nghìn tỷ đồng (+9% svck). Về việc phân bổ lợi nhuận năm 2022, QNS đã chi trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/cp, và 1.500 đồng/cp còn lại sẽ được thanh toán vào ngày 27/4/2023 và ngày 18/4/2023 là ngày giao dịch không hưởng quyền. Đối với năm 2023, cổ đông đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt tối thiểu ở mức 15%/mệnh giá, kế hoạch phát hành ESOP khoảng 1%-3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cụ thể như sau: (i) 1% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt từ 7,5% đến 15%, (ii) 2% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt từ 15% đến 20%, hoặc (iii) 3% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt trên 20%.

KQKD 2 tháng đầu năm 2023 rất ấn tượng, với động lực tăng trưởng đến từ mảng đường

Doanh thu thuần trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (+27% svck) và LNTT đạt 210 tỷ đồng (+90% svck). Mảng đường là động lực tăng trưởng chính đối với doanh thu và LNTT, với sản lượng tiêu thụ ở mức cao là 22 nghìn tấn (+140% svck). Mảng đường ghi nhận doanh thu thuần đạt 400 tỷ đồng (+142% svck) và LNTT đạt 85 tỷ đồng (tăng gấp ba svck). Doanh thu thuần và LNTT mảng sữa đậu nành lần lượt đạt 535 tỷ đồng (+6% svck) và 65 tỷ đồng (+9% svck). Tăng trưởng của mảng sữa đậu nành là nhờ giá bán bình quân tăng 5% svck. Mức tiêu thụ sữa đậu nành đạt 32 triệu lít (+1% svck). Doanh thu mảng F&B đạt 412 tỷ đồng (+5% svck) và LNTT đạt 60 tỷ đồng (tăng gấp đôi svck). Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ đường trong nửa đầu năm quá khứ 2022 ở mức thấp do ban lãnh đạo chủ động giữ lượng đường tồn kho để tiêu thụ trong nửa cuối năm 2022 với kỳ vọng giá bán cao hơn (thuế AD-AS có hiệu lực từ tháng 8/2022). Ngoài ra, QNS thường ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí bán hàng cao hơn trong Q1/2023. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng LNST trong Q1/2023 sẽ thấp hơn so với 2T2023.

Cập nhật ngành đường

Giá đường toàn cầu đã vượt đỉnh 6 năm do giá nhiên liệu sinh học tăng và sản lượng giảm từ các nước sản xuất lớn. Giá dầu thô tăng vọt sau khi OPEC+ bất ngờ tuyên bố giảm sản lượng, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mía đường chuyển nguồn nguyên liệu sang nhiên liệu sinh học sinh thay vì ép mía đường, từ đó hạn chế nguồn cung đường. Bang Maharashtra của Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 12,8 triệu tấn (-6,6% svck), thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Thời tiết mưa nhiều hạn chế sản lượng mía khiến các nhà máy tại Ấn Độ phải đóng cửa sớm hơn 45-60 ngày, dự kiến tạm nghỉ vào tháng 4 (so với tháng 6 hàng năm). Do đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo thặng dư đường toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 từ 6,2 triệu tấn vào tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn vào tháng 2/2023.

Theo USDA, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam sẽ đi ngang so với cùng kỳ, trong khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Theo VSSA, sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871 nghìn tấn (+16,6% svck) trong niên độ 2022/2023. Tuy nhiên, kho hàng của nhiều nhà máy đường đã hết chỗ do mức tiêu thụ đường trong tháng 2/2023 yếu hơn dự kiến. Theo VSSA, nguồn cung đường trong nước tăng mạnh trong Q1/2023 do: (i) đường nhập lậu tiếp tục gia tăng vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023; và (ii) Q1/2023 là mùa cao điểm của sản xuất đường cho năm 2023. Giá đường trong nước tiếp tục đi ngang trong 4 tháng liên tiếp quanh mức 18.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì trong khoảng 18.000 đồng/kg – 19.000 đồng/kg trong suốt năm 2023.

Triển vọng lợi nhuận và luận điểm đầu tư

Chúng tôi duy trì ước tính doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (+9% svck) và 1,4 nghìn tỷ đồng (+9% svck) do sản lượng đường tiêu thụ tăng trong 2T2023 vẫn phù hợp với ước tính của chúng tôi. Theo QNS, mức tiêu thụ sữa đậu nành và tỷ suất lợi nhuận gộp của sữa đậu nành ước tính sẽ đi ngang trong năm 2023 so với năm 2022 do mức tiêu thụ yếu. Đối với mảng đường, sản lượng đường tinh luyện (RS) dự kiến sẽ đạt 160.000 tấn (+23% svck) trong năm 2023, do QNS sẽ được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong mùa vụ 2022/2023. Chúng tôi giả định sản lượng RE sẽ đi ngang ở mức 20.000 tấn cho năm 2023.

QNS hiện giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 9,2x, nằm ở khoảng giữa dải P/E lịch sử 4 năm. Chúng tôi áp dụng mức P/E mục tiêu là 12x cho mảng sữa đậu nành (từ 11x) và 7x cho các mảng khác (từ 6x). Theo đó, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới cho cổ phiếu QNS là 46.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 11% (ROI là 18%). Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu QNS.