CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS): Kế hoạch năm 2023 thận trọng trong bối cảnh KQKD 2T 2023 tích cực

Nguồn: VCSC

Kế hoạch năm 2023 thận trọng trong bối cảnh KQKD 2T 2023 tích cực

 

QNS

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ năm 2023 của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) vào ngày 01/04/2023. Nội dung ĐHCĐ tập trung vào triển vọng kinh doanh trong năm 2023 và KQKD 2 tháng đầu năm 2023 với sản lượng bán đường tích cực hơn dự kiến. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Kế hoạch kinh doanh năm 2023 bao gồm doanh thu đạt 8,4 nghìn tỷ đồng (+1% YoY) và LNST đạt 1,0 nghìn tỷ đồng (-16% YoY). Chúng tôi lưu ý rằng QNS có lịch sử vượt kết hoạch lợi nhuận do công ty đặt ra. Cụ thể, QNS đã vượt kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS 37% trong năm 2021 và 28% trong năm 2022.
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt đợt cuối của năm 2022 là 1.500 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 3,7%); ngày chốt danh sách cổ đông và ngày thanh toán lần lượt là 18/4 và 27/4. Cùng với đợt trả cổ tức này, tổng cổ tức tiền mặt năm 2022 là 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 7,5%).
  • Kế hoạch cổ tức năm 2023 (tiền mặt hoặc cổ phiếu): Tối thiểu 15% mệnh giá.
  • Kế hoạch phát hành ESOP năm 2023: QNS sẽ phát hành (1) 1% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt từ 7,5% đến 15%, (2) 2% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt từ 15% đến 20%, hoặc (3) 3% số lượng cổ phiếu lưu hành nếu tăng trưởng lợi nhuận ròng trước khấu hao so với cùng kỳ đạt trên 20%. Số cổ phiếu này sẽ được phát hành với giá tương đương giá trị sổ sách của QNS tính đến cuối năm 2023 và bị hạn chế giao dịch trong 3 năm.

Doanh thu mảng đường tăng 142% YoY trong 2T 2023 do giá và sản lượng đường tăng mạnh. QNS đặt kế hoạch sản xuất lần lượt 160.000 tấn (+46% YoY) và 20.000 tấn (đi ngang YoY) đường tinh luyện RS (refined standard) và đường tinh luyện RE (refined extra) trong năm 2023. Ngoài ra, ban lãnh đạo kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 nhờ nhu cầu mạnh mẽ được hỗ trợ bởi mức áp thuế chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Chính phủ đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. Theo ban lãnh đạo, trong 2T 2023, sản lượng đường tăng 140% YoY và doanh thu tăng 142% YoY. QNS cũng đang xem xét đầu tư 500 tỷ đồng vào hệ thống kho đường mới trong giai đoạn 2023-2024.

Doanh thu sữa đậu nành tăng 6% YoY trong 2T 2023 chủ yếu nhờ giá bán tăng. Tăng trưởng doanh thu trong 2T 2023 được thúc đẩy bởi giá bán tăng 5% YoY và sản lượng tăng 1% YoY, cho thấy sức tiêu thụ yếu của người tiêu dùng do suy thoái kinh tế. Theo ban lãnh đạo, 5 SKU mới ra mắt trong giai đoạn 2018-2022 đã đóng góp 10% -15% vào doanh thu sữa đậu nành của công ty vào năm 2022. Trong tương lai, ban lãnh đạo dự kiến sẽ ra mắt một sản phẩm đậu nành cao cấp mới vào năm 2023 để thu hút khách hàng mới và duy trì vị trí thống lĩnh của thị phần sữa đậu nành. Ngoài ra, sản phẩm mới này có giá bán cao hơn so với các sản phẩm hiện hữu, giúp tăng giá bán trung bình của mảng sữa đậu nành. QNS cũng dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm thịt và đồ uống mới có nguồn gốc thực vật trong dài hạn để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với thức uống dinh dưỡng và mở rộng danh mục sản phẩm của công ty.

Chi phí đậu nành đầu vào cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận sữa đậu nành, được bù đắp một phần nhờ giá bán tăng và mở rộng danh mục sản phẩm. Theo ban lãnh đạo, giá đậu nành nguyên liệu được chốt ở mức giá tương đối cao trong nửa đầu năm 2023 do nguồn cung đậu nành trên thị trường toàn cầu thấp hơn. Tuy nhiên, QNS dự kiến biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành sẽ đi ngang YoY khi công ty cho biết đóng góp ngày càng tăng từ các sản phẩm cao cấp và việc tăng giá bán sẽ giúp giảm tác động của mức tăng chi phí đầu vào đối với biên lợi nhuận sữa đậu nành.