CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS): Tăng trưởng lợi nhuận nhờ sản lượng và giá bán đường tăng cao

Nguồn: SSI

Tăng trưởng lợi nhuận nhờ sản lượng và giá bán đường tăng cao

 

QNS

 

KQKD sơ bộ Q1/2023

Mảng sữa đậu nành: Doanh thu thuần và LNTT của mảng sữa đậu nành lần lượt đạt 814 nghìn tỷ đồng (-8% svck) và 118 tỷ đồng (đi ngang svck) trong Q1/2023, phù hợp với ước tính của chúng tôi. Mức tiêu thụ sữa đậu nành đạt 48,5 triệu lít (-9% svck). Giá nguyên liệu đậu nành dự kiến sẽ tăng 10% svck trong năm 2023 do QNS đã đặt 100% nguyên liệu đầu vào cho năm 2023. Vào tháng 3/2023, QNS đã tăng giá bán trung bình 5% so với đầu năm và đã bù đắp được phần nào chi phí đậu nành đầu vào. Công ty dự kiến ra mắt sản phẩm mới (sữa đậu nành bổ sung chất xơ) vào đầu nửa cuối năm 2023.

Mảng mía đường: QNS công bố doanh thu thuần đạt 702 tỷ đồng (+69% svck) và LNTT đạt 148 tỷ đồng (+289% svck) trong Q1/2023, cao hơn ước tính của chúng tôi cho mảng mía đường. Tổng sản lượng đường tiêu thụ là 40 nghìn tấn (+90% svck) trong Q1/2023. Trong Q2/2023, QNS ước tính sản lượng tiêu thụ đường ở mức 60 nghìn tấn (+90% svck). Theo QNS, tổng sản lượng đường ước tính đạt 200 nghìn tấn (+54% svck) trong năm 2023, cao hơn 11% so với dự báo trước đây của chúng tôi do bổ sung hạn ngạch áp dụng đối với đường nhập khẩu. QNS dự kiến sản xuất 160 nghìn tấn đường RS (giữ nguyên dự phóng cũ) và 40 nghìn tấn đường RE (tăng từ 20k dự phóng cũ). Sản lượng mía tăng giúp mảng điện sinh khối đạt LNTT 50 tỷ đồng. Ngoài ra, bắt đầu kết hợp với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023, QNS đã bắt đầu bán mặt hàng đường đóng gói thông qua các kênh thương mại hiện đại, với thương hiệu “Đường An Khê”. Tháng 5/2023, công ty sẽ hợp tác với chuỗi bán lẻ BigC, Coop, Winmart để bán mặt hàng đường đóng gói.

Kế hoạch đầu tư: Năm 2023, QNS dự kiến đầu tư 164 tỷ đồng vào mảng sữa đậu nành (sản phẩm mới); 300 tỷ đồng cho mảng mía đường (mở rộng kho bãi, phát triển vùng nguyên liệu), 300 tỷ đồng cho các mảng khác.

Cổ tức: QNS đã trả cổ tức tiền mặt 3.000 đồng/cổ phiếu để phân bổ lợi nhuận năm 2022. Năm 2023, ĐHCĐ đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt tối thiểu 15% trên mệnh giá.

Triển vọng ngành đường

Giá đường thế giới đã vượt đỉnh 10 năm do nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng và sản lượng từ các nhà sản xuất lớn giảm sút. Giá dầu thô tăng vọt sau khi OPEC+ bất ngờ tuyên bố giảm sản lượng, thúc đẩy các nhà sản xuất mía đường chuyển sang pha trộn nhiên liệu sinh học thay vì ép mía để sinh lợi hơn, từ đó hạn chế nguồn cung đường. Theo Reuters, bang Maharashtra của Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 10,5 triệu tấn (-23,3% svck), thấp hơn 3,3 triệu tấn so với dự báo trước đó vào cuối năm 2022. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính rằng sản lượng đường cho niên vụ 2022/2023 đạt 34 triệu tấn (-5% svck), thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo trước đó. Do đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo thặng dư đường thế giới trong niên vụ 2022/2023 từ 6,2 triệu tấn vào tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn vào tháng 2/2023.

Theo USDA, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam sẽ không thay đổi so với cùng kỳ, trong khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Theo VSSA, sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871 nghìn tấn (+16,6% svck) cho niên vụ 2022/2023. Theo QNS, trong quý 2 giá đường trong nước bắt đầu bị ảnh hưởng bởi giá đường thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Vào giữa tháng 4, giá đường trong nước tăng lên 18,5 nghìn (+3% so với tháng trước), sau khi gần như đi ngang trong bốn tháng liên tiếp ở mức khoảng 18 nghìn đồng/kg. Hiện tại, chúng tôi cho rằng giá đường RS sẽ duy trì quanh mức 19 nghìn đồng/kg (+3% svck) từ Q2/2023. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng hạn ngạch nhập khẩu đường tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước và mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện nội địa nhập khẩu đường thô để sản xuất.

Ước tính lợi nhuận

Mảng sữa đậu nành: Theo QNS, mức tiêu thụ sữa đậu nành ước tính sẽ duy trì trong năm 2023 so với năm 2022 do tiêu thụ yếu. Vào ngày 18/4/2023, chính phủ Việt Nam đã chuyển đề xuất cắt giảm thuế GTGT sang bước tiếp theo của quy trình phê duyệt. Đề xuất cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% bắt đầu từ ngày 1/7/2023 đang chờ Quốc hội thông qua. Chúng tôi kỳ vọng việc cắt giảm thuế VAT được thông qua, có thể là yếu tố hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành trong nửa cuối năm 2023. Chúng tôi ước tính mức tăng giá bán bình quân của QNS sẽ giúp bù đắp phần tăng chi phí đầu vào. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đạt 40,5% vào năm 2023, so với 40,7% vào năm 2022.

Mảng mía đường: Chúng tôi nâng dự báo tổng sản lượng đường lên 200 nghìn tấn (+54% svck) từ ước tính trước đó là 180 nghìn tấn (+38% svck). Chúng tôi duy trì ước tính sản lượng đường RS ở mức 160 nghìn tấn (+23% svck). Chúng tôi giả định sản lượng tiêu thụ đường RE sẽ đạt 40.000 tấn (tăng gấp đôi so với cùng kỳ) vào năm 2023, trong khi chúng tôi giả định rằng giá bán bình quân của đường RS&RE sẽ tăng 3% (từ mức 1% trước đó). Tỷ suất lợi nhuận gộp của đường RS và RE ước tính lần lượt là 26% và 5% trong năm 2023.

Theo đó. chúng tôi ước tính doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt là 9,7 nghìn tỷ đồng (+17% svck) và 1,5 nghìn tỷ đồng (+18% svck).

Định giá và luận điểm đầu tư

QNS giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 8,5x, nằm giữa dải P/E lịch sử 4 năm (6,3x-11,5x). Chúng tôi áp dụng mức P/E mục tiêu là 12x cho mảng sữa đậu nành và 7x cho các mảng khác. Theo đó chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 48.500 đồng/cổ phiếu (từ 46.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá là +14% (tổng mức sinh lời là 21%). Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với QNS.

Quan điểm ngắn hạn: Giá đường thế giới tăng sẽ hỗ trợ tâm lý đối với các cổ phiếu ngành đường như QNS. Giá đường trong nước và sản lượng tiêu thụ tăng cao hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của mảng đường trong các quý tới.