CTCP FPT (FPT): Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023

Nguồn: VCSC

Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023

 

FPT

 

  • CTCP FPT (FPT) đã tổ chức ĐHCĐ tại Hà Nội vào ngày 06/04/2023. Cuộc họp bàn về nhiều chủ đề, bao gồm kế hoạch và triển vọng kinh doanh năm 2023 của công ty.
  • Trong năm 2023, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT đạt 18% YoY, tương tự với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng FPT thường hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra. Trong năm 2022, LNTT của FPT hoàn thành 100% mục tiêu công ty đặt ra cho năm 2022.
  • KQKD sơ bộ quý 1/2023: Doanh thu và LNTT đều tăng 18% YoY, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Mặc dù KQKD theo từng mảng chưa được công bố, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng 2 chữ số trong quý 1/2023 là nhờ đóng góp từ 3 mảng kinh doanh cốt lõi của FPT gồm xuất khẩu phần mềm, giáo dục và dịch vụ viễn thông. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Cổ tức tiền mặt năm 2022 và phát hành cổ phiếu thưởng: Cổ tức tiền mặt đợt 2 là 1.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 1,3%) cho năm 2022 dự kiến sẽ được trả vào quý 2/2023. Nếu bao gồm cả khoản thanh toán này, tổng cổ tức tiền mặt năm 2022 sẽ là 2.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 2,6%). FPT cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20:3 (tức 20 cổ phiếu hiện hữu được nhận thêm 3 cổ phiếu) vào quý 2/2023.
  • Kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2023: 2.000 đồng/cổ phiếu dựa trên số lượng cổ phiếu mới sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu trên (hoặc 2.300 đồng/cổ phiếu dựa trên số lượng cổ phiếu hiện tại), tương ứng lợi suất cổ tức 3,0% dựa theo giá đóng cửa ngày 06/04.
  • Thông qua kế hoạch phát hành ESOP cho giai đoạn 2023-2025: FPT sẽ phát hành tối đa 0,5% số lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2024-2026. Thời gian hạn chế giao dịch là 3 năm đối với cổ phiếu ESOP phát hành cho nhân viên của FPT.

FPT nhận thấy nhu cầu Chuyển đổi số (DX) ổn định đối với mảng Xuất khẩu Phần mềm toàn cầu nhưng mảng CNTT trong nước còn khá nhiều thử thách. FPT tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu DX mạnh mẽ trên toàn cầu khi tăng trưởng doanh thu DX trong quý 1/2023 đạt xấp xỉ 30% YoY. Ban lãnh đạo cũng duy trì kỳ vọng doanh thu DX sẽ tăng trưởng 35%-40% YoY trong năm 2023. Trong khi đó, công ty cũng ghi nhận những thách thức ở mảng CNTT trong nước khi doanh thu sụt giảm YoY trong 2 tháng đầu năm 2023. FPT kỳ vọng mảng CNTT trong nước sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 khi (1) giải ngân ngân sách CNTT công tăng tốc và (2) có một kế hoạch triển khai dự án ổn định trong ngành tài chính và ngân hàng.

Chiến lược M&A của FPT là nâng cao dịch vụ tư vấn và năng lực công nghệ. FPT dự kiến ngân sách hàng năm dành cho hoạt động M&A dao động từ 30-50 triệu USD. Theo ban lãnh đạo, FPT đang tìm kiếm cơ hội thâu tóm các công ty tư vấn ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ Latin để tăng cường năng lực công nghệ - tương tự như thương vụ mua lại công ty tư vấn Intellinet của Mỹ năm 2018. Ngoài ra, FPT còn có kế hoạch hợp nhất công ty CNTT Intertec vừa mua lại trong kết quả doanh thu quý 1/2023.

FPT Education phát triển mạnh bởi nhu cầu đào tạo CNTT trong nước và thiếu hụt nhân sự CNTT. FPT đang lên kế hoạch đưa bộ môn khoa học máy tính vào chương trình giáo dục K-12. Cụ thể, ban lãnh đạo đang triển khai thí điểm dạy điện tử và lập trình phần mềm trong các trường phổ thông. Ban lãnh đạo cho biết Chính phủ đang hợp tác với FPT trong chiến lược dài hạn đào tạo nhân sự CNTT - đặc biệt trong phát triển chip.