CTCP FPT (FPT): Nhà máy AI bắt đầu nhận đơn đặt hàng

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Nhà máy AI bắt đầu nhận đơn đặt hàng

 

 

  • Nhà máy AI của tập đoàn công nghệ FPT sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ ngày 13/11/2024 và dự kiến hoạt động chính thức từ đầu năm 2025. Với dự án này, FPT đang nhắm đến thị trường trong nước và Nhật Bản với tỷ suất hoàn vốn nội bộ của 2 nhà máy là 25% (1 nhà máy tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Nhật Bản).
  • FPT dự kiến nhà máy Giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư: 100 triệu USD) khi hoạt động hết công suất sẽ tạo ra 100 triệu USD doanh thu hàng năm, với biên EBITDA trên 50%.
  • HĐKD của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT vẫn tích cực, dự kiến phục hồi tại thị trường Mỹ, nơi Công ty vừa ký một hợp đồng có thời hạn trong 3 năm với trị giá 225 triệu USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng vững chắc.
  • HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với FPT với giá mục tiêu 147.200đ (tiềm năng tăng giá 8%).

 

Sự kiện: Tổ chức gặp gỡ chuyên viên phân tích đêm 11/11/2024

Tối ngày 11/11/2024, FPT tổ chức buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích định kỳ hàng quý. Tại sự kiện, BLĐ chia sẻ quan điểm về KQKD Q3/2024 của Công ty cũng như triển vọng cho từng mảng kinh doanh, nhưng đặc biệt chú trọng đến dự án nhà máy AI. Chi tiết như sau.

Đạt được cột mốc quan trọng: Nhà máy AI bắt đầu nhận đơn đặt hàng

FPT đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho nhà máy AI từ ngày 13/11/2024. Dự kiến nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2025, tập trung khai thác thị trường Nhật Bản và thị trường Việt Nam. Một số thông tin chi tiết liên quan đến kế hoạch/mục tiêu của FPT:

  • Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1: 50 triệu USD cho mỗi nhà máy AI, bao gồm 1 nhà máy tại Nhật Bản và 1 nhà máy tại Việt Nam.
  • Khách hàng: Nhóm khách hàng mục tiêu thuộc các ngành chăm sóc sức khỏe, ngành công nghiệp chế biến & chế tạo và dịch vụ tài chính.
  • Dịch vụ/sản phẩm: dịch vụ đám mây GPU, mô hình AI được đào tạo trước, thử nghiệm/tinh chỉnh các mô hình AI để phù hợp với hệ thống của khách hàng, v.v.
  • Lợi thế cạnh tranh: Đưa ra mức giá cạnh tranh hơn (cho sản phẩm cùng phân khúc) các đối thủ Nhật Bản, cũng như có mức giá thấp hơn các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Microsoft.
  • Doanh thu: Khi hoạt động 100% công suất, cả hai nhà máy (giai đoạn 1) sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 100 triệu USD và biên EBITDA đạt trên 50%. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ cho toàn dự án được kỳ vọng đạt mức 25%.
  • Kế hoạch mở rộng: Giai đoạn thứ hai (mở rộng) với khoản đầu tư 100 triệu USD, sẽ được triển khai để đáp ứng nhu cầu trong tương lai và giảm thiểu rủi ro của dự án tiên phong giai đoạn này.

Lợi nhuận từ dự án nhà máy AI sẽ được ghi nhận cho FPT Smart Cloud, công ty thuộc mảng dịch vụ CNTT trong nước.

Quan điểm của chúng tôi: HSC ước tính doanh thu đóng góp từ dự án nhà máy AI sẽ ở mức 47 triệu USD trong năm 2025 (dựa trên công suất hoạt động 47% của cả hai nhà máy) và sẽ hoạt động hết công suất trong năm 2026 (doanh thu 100 triệu USD). Điều này cho thấy doanh thu đóng góp từ nhà máy AI vào mảng dịch vụ CNTT trong nước sẽ đạt 16% mỗi năm, và đóng góp 2% vào doanh thu hợp nhất hàng năm của tập đoàn FPT.

Mảng dịch vụ CNTT nước ngoài vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính

Trong buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, BLĐ FPT tự tin rằng mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của Công ty sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Chi tiết như sau:

  • Thị trường Nhật Bản: FPT vẫn tập trung khai thác thị trường Nhật Bản, tận dụng lượng khách hàng lớn và tỷ lệ ứng dụng AI thấp. Việc khai trương văn phòng mới tại Nhật Bản gần đây phù hợp với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2027 của Công ty, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 26%.
  • Thị trường Mỹ: Mặc dù thị trường Mỹ có phần kém khả quan (tăng 13% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm), FPT tin rằng tốc độ tăng trưởng tại thị trường này sẽ mạnh hơn trong thời gian tới vì Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ quản lý trong 3 năm trị giá 225 triệu USD với một khách hàng tại đây. Thương vụ này dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 70-75 triệu USD. Để thực hiện hợp đồng này, FPT sẽ phải huy động hơn 1.000 kỹ sư – trong nước, trong khu vực và nước ngoài. Hợp đồng này nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của FPT tại thị trường Mỹ, làm nổi bật sự tận tâm, khả năng thích ứng và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
  • Tác động từ việc ông Trump thắng cử: BLĐ FPT tin rằng với việc ông Trump thắng cử, kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng mạnh và tăng chi tiêu cho CNTT, điều này mang lại cho FPT nhiều cơ hội. Khả năng tăng thuế trong tương lai dường như không ảnh hưởng đến ngành dịch vụ CNTT, theo quan điểm của chúng tôi. Tuy nhiên, sẽ có thách thức đến từ việc hạn chế cấp thị thực cho chuyên gia CNTT, ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam và Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh chính của FPT tại thị trường Mỹ.
  • Khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Khu vực này tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng 37% trong 9 tháng đầu năm 2024. Singapore và Malaysia là hai khách hàng có mức đóng góp doanh thu lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, FPT cũng đang nhận thấy nhu cầu tại thị trường Hàn Quốc đang tăng (tăng hơn 30% mỗi năm) và hiện đóng góp 5% vào doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài.

FPT cho biết tỷ suất LNTT của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài có thể tăng lên mức 19-20% trong 2-3 năm tới, nhờ: (1) năng suất làm việc của kỹ sư cải thiện (tăng 12-15% mỗi năm) và (2) ảnh hưởng từ chi phí khấu hao giảm (nhờ quy mô kinh doanh tăng). Điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi về mức tăng tỷ suất lợi nhuận trong những năm tới.

Mặc dù vậy, FPT vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với nhu cầu mảng dịch vụ CNTT trong nước (ngoại trừ nhu cầu cho nhà máy AI tăng như đã đề cập bên trên) do sức chi tiêu cho CNTT của khu vực công và doanh nghiệp vẫn còn yếu. HSC dự báo phân khúc này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng một con số trong 2-3 năm tới, dẫn đầu là các sản phẩm Made-by-FPT.

Doanh thu mảng viễn thông được dự báo tăng trưởng

FPT dự báo nhu cầu của mảng viễn thông sẽ dần cải thiện trong thời gian tới, với nhu cầu trung tâm dữ liệu/điện toán đám mây và Pay TV (truyền hình trả tiền) sẽ tăng. Việc tiết kiệm chi phí đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận thuần của mảng viễn thông, trong khi doanh thu dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong năm sau. Công ty quyết định lùi thời điểm đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới tại Quận 9 đến cuối năm 2025 do những vấn đề về hậu cần.

FPT đã hoàn tất công tác xây dựng và đang trong giai đoạn lắp đặt máy móc và thiết bị. Liên quan đến dịch vụ internet băng thông rộng, FPT đặt mục tiêu mở rộng thêm thị phần (từ mức hiện tại là 18%) thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách ứng dụng AI vào khâu chăm sóc khách hàng.

FPT cần tái cơ cấu mảng giáo dục

Mảng giáo dục của FPT đang gặp nhiều khó khăn (với tốc độ tăng trưởng tuyển sinh giảm xuống mức một chữ số so với mức 34% trong năm 2023) do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các trường đại học công lập và ngân sách giáo dục tư nhân bị cắt giảm. Nhằm giải quyết vấn đề này, FPT cần phải có chiến lược để thúc đẩy tỷ lệ tuyển sinh, đặc biệt là đào tạo nghề và đào tạo đại học. Đây là một trong những điều làm chúng tôi lo ngại ở giai đoạn này.

Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 147.200đ (tiềm năng tăng giá 8%)

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với FPT với giá mục tiêu 147.200đ (tiềm năng tăng giá 8%). Dự báo hiện tại cho năm 2024 của chúng tôi cho thấy doanh thu thuần đạt 63,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20,5%), lợi nhuận thuần đạt 7,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 22,5%). Với kết quả trên, lợi nhuận thuần Q4/2024 dự kiến đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 25% so với cùng kỳ và 3% so với quý trước). FPT đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là là 22,8 lần (P/E dự phóng năm 2025 ở mức 22,1 lần), cao hơn so với bình quân 3 năm ở mức 16,9 lần, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân các công ty cùng ngành (P/E dự phóng năm 2025 ở mức 23,6 lần).