Nguồn: SSI
Thu nhập từ thoái vốn hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi trong năm 2023
KQKD Q4.2022: Tăng trưởng chậm lại do nhu cầu yếu
Trong Q4.2022, GMD đạt 1.066 tỷ đồng doanh thu (+2,7% so với cùng kỳ, +7,5% so với quý trước) và LNTT đạt 251 tỷ đồng (+8,7% so với cùng kỳ, -25,3% so với quý trước). Lũy kế cả năm 2022, doanh thu và LNTT lần lượt đạt 3.916 tỷ đồng (+22,1%) và 1.308 tỷ đồng (+63,3%), hoàn thành 102% và 109% kế hoạch năm của công ty.
Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 42% trong năm 2022 từ 35,7% trong năm 2021. Hiệu quả chi phí tiếp tục được cải thiện khi chi phí bán hàng & quản lý giảm từ 14% trong năm 2021 xuống 13,8% trong năm 2022. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 70 tỷ đồng do lỗ tỷ giá, chi phí lãi vay và chi phí dự phòng đầu tư cao hơn. Thu nhập từ công ty liên kết giảm 14% so với cùng kỳ xuống còn 70 tỷ đồng trong Q4.2022, chủ yếu do Gemalink lỗ 22 tỷ đồng so với khoản lãi 15 tỷ đồng trong Q4.2021.
Các cập nhật khác
Việc thoái vốn tại Nam Hải Đình Vũ dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù giá trị giao dịch chưa được tiết lộ, nhưng công ty đã ghi nhận khoản đặt cọc 1 nghìn tỷ đồng được trả trước trong Q4.2022. Ngoài ra, bên mua tiềm năng có thể là Viconship (VSC: HOSE), do công ty này đã công bố kế hoạch mua lại một cảng ở Hải Phòng có giá trị tương đương NHĐV. Theo VSC, tổng vốn đầu tư vào cảng ước tính khoảng 2.250 tỷ đồng cho 51% - 75% cổ phần, tương đương giá trị 3 nghìn tỷ đồng cho toàn bộ cảng. Với việc sở hữu 85% cảng, GMD có thể ghi nhận khoản lãi 2 nghìn tỷ đồng.
Cảng Nam Đình Vũ Giai đoạn 2 bắt đầu hoạt động trong tháng 2, bổ sung thêm 500 nghìn TEU vào tổng công suất của toàn bộ dự án và hiện có khả năng xử lý 1 triệu TEU mỗi năm. Dự án này sẽ thay thế cảng Nam Hải Đình Vũ sau khi thoái vốn và duy trì công suất hàng năm của cụm cảng phía Bắc của GMD ở mức 1,2 triệu TEU. Trong năm 2022, các cảng phía bắc của GMD đã xếp dỡ 1,1 triệu TEU.
Trong trường hợp NHĐV được chuyển nhượng cho VSC, thị phần của VSC sẽ cao hơn GMD và đạt 17,3% công suất cụm cảng Hải Phòng, chưa kể VSC còn sở hữu 36% VIMC Đình Vũ và 22% PTSC Đình Vũ. Tuy nhiên, GMD mong muốn có thể chuyển toàn bộ sản lượng của NHĐV sang NĐV Giai đoạn 2 nhờ GMD vận hành các cảng thông qua một hệ thống kiểm soát trung tâm cho phép họ di chuyển container giữa các bến cảng. Ban lãnh đạo kỳ vọng NĐV Giai đoạn 2 có thể đạt công suất tối đa trong năm 2023 nhờ sản lượng chuyển từ NHĐV sang. Do đó, GMD dự kiến sẽ khởi công xây dựng cảng NĐV Giai đoạn 3 (500 nghìn TEU) vào cuối năm 2023 để bổ sung thêm công suất cho mạng lưới của công ty.
Phí dịch vụ cảng biển được điều chỉnh tăng cho năm 2023. Chúng tôi nhận thấy rằng GMD đã tăng phí xếp dỡ đối với tất cả các cảng của họ (chi tiết như bảng dưới đây). Nhìn chung, giá các dịch vụ hầu hết tăng bình quân 20% so với năm 2022 nhưng vẫn ở dưới mức giá trần. Riêng giá dịch vụ của Gemalink chỉ tăng 5% do cảng đã chạm mức giá trần áp dụng cho cảng nước sâu. Chúng tôi nhận thấy nhiều công ty khác cũng thực hiện tăng giá dịch vụ. Theo chúng tôi, đây là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp khai thác cảng đã đạt được thỏa thuận chung và không còn cạnh tranh về giá, nhất là tại các khu vực vẫn điễn ra tình trạng dư cung như cụm cảng Hải Phòng.
Triển vọng năm 2023 và ước tính lợi nhuận
Sản lượng qua cảng chịu nhiều áp lực, đặc biệt là Gemalink. Chúng tôi vẫn có quan điểm thận trọng về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 do nhu cầu bên ngoài suy yếu và mức tồn kho cao (như đã đề cập trong báo cáo triển vọng ngành năm 2023). Chúng tôi kỳ vọng rằng nhu cầu có thể phục hồi từ Q3.2023. Do đó, chúng tôi cho rằng sản lượng qua cảng GMD có thể giảm 10% trong năm 2023, trong đó sản lượng qua cụm cảng phía Bắc của GMD có thể giảm 11%. Chúng tôi giả định rằng Gemalink có thể xử lý 900 nghìn TEU (-18%) trong năm 2023, đây là mức sản lượng dưới điểm hòa vốn. Điểm sáng là phí dịch vụ cảng biển tăng lên có thể hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ giảm do chi phí khấu hao cao hơn từ dự án Nam Đình Vũ Giai đoạn 2.
Thu nhập từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Như đã đề cập ở trên, chúng tôi cho rằng giá giao dịch có thể cao hơn so với ước tính ban đầu chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước. Chúng tôi ước tính LNTT năm 2023 có thể dao động trong khoảng 2.278 tỷ đồng – 3.278 tỷ đồng. Chúng tôi lựa chọn kịch bản giá trị giao dịch 2.500 tỷ đồng làm kịch bản cơ sở, chúng tôi ước tính LNTT có thể đạt 2.778 tỷ đồng (+112%) trong năm 2023. Nếu loại trừ khoản lãi bất thường này, LNTT cốt lõi có thể giảm 25% do thiếu hụt sản lượng xếp dỡ từ NHĐV, chi phí khấu hao và chi phí tài chính tăng cao.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị:
(i) giá trị giao dịch cảng Nam Hải Đình Vũ thấp hơn dự kiến;
(ii) nhu cầu bên ngoài tiếp tục suy yếu;
(iii) sản lượng xếp dỡ giảm nhiều hơn do cạnh tranh khốc liệt tại Hải Phòng.