CTCP Gỗ An Cường (ACG): Lợi thế cạnh tranh vững vàng nhưng triển vọng thị trường BĐS chưa rõ ràng, nhu cầu trang trí nội thất giảm

Nguồn: VCSC

Lợi thế cạnh tranh vững vàng nhưng triển vọng thị trường BĐS chưa rõ ràng, nhu cầu trang trí nội thất giảm

 

ACG

 

  • Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN đối với CTCP Gỗ An Cường (ACG) dù đã giảm giá mục tiêu 50% do chúng tôi (1) giảm dự báo LNST 2022-2024 đi 22%, (2) tăng giả định WACC từ 12,8% lên 14,7% và (3) hiện bao gồm một phương pháp định giá dựa trên P/E, phản ánh tốt hơn triển vọng ngắn hạn của công ty cũng như sự không chắc chắn về tính thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trang trí nội thất nhà ở.
  • Chúng tôi giảm dự báo LNST do chúng tôi có triển vọng kém khả quan hơn về nhu cầu xuất khẩu, nhà mới và trang trí nội thất cho nhà hiện hữu. Chúng tôi giảm dự báo doanh thu 2022-2024 đi 14%. Chúng tôi cũng dự báo doanh thu và LNST năm 2023 lần lượt giảm 10% YoY và 14% YoY.
  • Tuy vậy, chúng tôi cho rằng ACG sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường của mình và hưởng lợi khi thị trường BĐS phục hồi nhờ vào các lợi thế cạnh tranh vững chắc: hệ thống sản phẩm đa dạng trọn gói và chất lượng cao, thương hiệu hàng đầu và mạng lưới phân phối số một.
  • Tình hình tài chính của ACG lành mạnh với tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu đạt 21% và tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn là 1,1 lần tính đến cuối quý 3/2022. Chúng tôi dự báo thu nhập tài chính ròng sẽ chiếm 20% tổng dự báo LNTT giai đoạn 2022-2023. Doanh thu đến từ các chủ đầu tư bất động sản của ACG chiếm 15% doanh thu năm 2021.
  • Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2023 là 12,6 lần so với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 17,2 lần. Ngoài ra, giá cổ phiếu của ACG đã giảm 46% trong 3 tháng qua.
  • Rủi ro đầu tư: Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài sẽ làm giảm nhu cầu trang trí nội thất; nhu cầu thấp hơn dự kiến hoặc những thay đổi về thuế quan và chính sách nguồn gốc gỗ của các thị trường xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ giảm ở tất cả các mảng nhu cầu trong năm 2023. Trong 10 tháng đầu 2022, doanh thu và LNST của ACG lần lượt tăng 43% YoY và 52% YoY. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ giảm vào năm 2023. Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu trực tiếp và bán hàng cho các nhà xuất khẩu đồ nội thất đang phải đối mặt với lượng đơn đặt hàng thấp do khách hàng nước ngoài giảm hàng trong bối cảnh nhu cầu yếu. Thứ hai, nhà mới trong nước bị ảnh hưởng do nguồn cung nhà ở giảm trong vài năm qua, cùng với vấn đề thanh khoản mà các chủ đầu tư bất động sản phải đối mặt. Cuối cùng, chi tiêu cho việc cải tạo những ngôi nhà hiện hữu có thể giảm do tỷ lệ thất nghiệp/thiếu việc làm có thể gia tăng và xu hướng giảm gần đây của nhiều loại tài sản tài chính đã gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu (khách hàng cuối cùng của ACG). Mặc dù quan điểm của ban lãnh đạo phù hợp với những điểm này, công ty chưa công bố kế hoạch cho năm 2023.

Chúng tôi ước tính rằng ít nhất 35% doanh thu của ACG đến từ nhà mới. Theo ACG, công ty không có dữ liệu cho khoản đóng góp này vì chủ yếu bán cho các đối tác B2B. Chúng tôi cho rằng nhà mới sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 3 mảng nhu cầu nêu trên vào năm 2023. Trong doanh thu năm 2021 của ACG, khoảng 60% đến từ các nhà thầu, nhà thiết kế, nhà phân phối và chủ nhà trong nước, khoảng 15% đến từ các chủ đầu tư bất động sản và khoảng 25% đến từ xuất khẩu trực tiếp và bán hàng cho các nhà xuất khẩu đồ nội thất trong nước.

ACG vẫn đang nghiên cứu kế hoạch cho nhà máy ván sợi mật độ trung bình (MDF). MDF là một nguyên liệu đầu vào chính cho hoạt động sản xuất của ACG. Ngành công nghiệp MDF đang thừa cung và thường có ROIC thấp. Tuy nhiên, nhu cầu yếu hiện tại đối với đồ gỗ nội thất và giá máy móc thấp có thể giúp cải thiện ROIC của dự án sau khi nhà máy đi vào hoạt động vài năm sau.