CTCP Gỗ An Cường (ACG): Nhu cầu phục hồi, chi phí mở rộng giảm dần

Nguồn: VCSC

Nhu cầu phục hồi, chi phí mở rộng giảm dần

 

ACG

 

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến năm 2023 của ACG vào ngày 26/04. Những ghi nhận chính của chúng tôi như sau.

  • Kế hoạch năm 2023 của ACG:

- Doanh thu: 5 nghìn tỷ đồng (+12% YoY — 112% dự báo năm 2023 của chúng tôi)
- LNST: 668 tỷ đồng (+8% YoY — 106% dự báo năm 2023 của chúng tôi)

  • Theo ban lãnh đạo, doanh thu của ACG tăng so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. ACG tự tin có thể hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trên. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu đang phục hồi nhanh hơn so với thị trường trong nước.
  • LNST quý 1/2023 giảm 70% YoY do nhu cầu yếu và chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) liên quan đến việc ACG mở rộng mạng lưới phân phối — một phần chi phí này liên quan đến việc mở rộng công ty vào năm 2022. ACG đặt kế hoạch số lượng nhân viên đi ngang trong năm 2023 trong bối cảnh cần kiểm soát chi phí.

Nhu cầu trong nước đang dần phục hồi. Theo ban lãnh đạo, một số chủ đầu tư BĐS như Hưng Thịnh, Novaland và Nam Long dự kiến đặt hàng trở lại sau kỳ nghỉ lễ vào đầu tháng 5. Mặc dù khách hàng thanh toán chậm, ACG không gặp vấn đề về thanh khoản.

Lượng đơn hàng xuất khẩu đang có triển vọng tốt hơn, còn dư địa tăng trưởng dồi dào. ACG có kế hoạch tăng doanh thu xuất khẩu hàng năm từ 30 triệu USD hiện tại lên 50 triệu USD trong trung hạn. Cổ đông chiến lược Sumitomo của ACG là một khách hàng lớn và là cung cấp nội thất từ ACG cho các dự án bất động sản của ACG tại Mỹ. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của ACG gần đây đã phục hồi và bao gồm 1 đơn hàng trị giá 5 triệu USD từ 1 khách hàng đã chuyển từ đồ nội thất do EU sản xuất sang sử dụng đồ nội thất của ACG.

ACG không có kế hoạch tham gia vào các thị trường lớn khác như EU do hạn chế về nguồn nhân lực. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào việc mở rộng tại thị trường Mỹ và bắt đầu thâm nhập vào thị trường Campuchia. Hiện công ty đang mở kho hàng tại 2 thị trường này.

Ban lãnh đạo dự kiến có thể tăng biên lợi nhuận gộp xuất khẩu lên 18%-20% khi mảng xuất khẩu vận hành 100% công suất, so với biên lợi nhuận gộp ~13% khi vận hành 65% công suất như hiện tại. Mặc dù con số này thấp hơn biên lợi nhuận gộp trong nước là ~30%, mảng xuất khẩu có chi phí bán hàng thấp hơn và vòng quay tài sản cao hơn so với mảng trong nước.

ACG tự tin có thể nhận được đầy đủ khoản phải thu từ Novaland. Khoản thanh toán này chủ yếu bao gồm 12 triệu USD (46% LNST năm 2022) đáo hạn vào năm 2025. Ban đầu, số tiền này được ACG chi trả để mua quyền chọn mua bất động sản tại Novaworld Phan Thiết vào năm 2024, nhưng ACG đã quyết định không thực hiện quyền chọn này. Công ty đã nhận được khoản thanh toán cho các khoản đầu tư tài chính phi tiền gửi khác không liên quan đến Novaland.

Cổ tức năm 2022: 1.100 đồng/cổ phiếu trả vào quý 4/2022. 100 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận được 11 cổ phiếu bổ sung vào năm 2023.

Cổ tức năm 2023: Tối thiểu 2.000 đồng/cổ phiếu hoặc cổ tức cổ phiếu, trong đó 10 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận được 2 cổ phiếu bổ sung, hoặc kết hợp cả 2.