CTCP Hàng không Vietjet (VJC): Chuẩn bị phục hồi hậu COVID-19

Nguồn: VCSC

Chuẩn bị phục hồi hậu COVID-19

 

VJC

 

  • CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã tổ chức ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến vào ngày 28/05. Cuộc họp tập trung vào triển vọng kinh doanh năm 2022 của công ty và các kế hoạch phục hồi sau dịch COVID-19.
  • VJC dự kiến đạt doanh thu 32,7 nghìn tỷ đồng (+154% YoY) và LNST đạt 1 nghìn tỷ đồng (so với 80 tỷ đồng trong năm 2021) trong năm 2022. Các kế hoạch này tương đương 85% và 81% dự báo tương ứng của chúng tôi. Do các chênh lệch này và giá nhiên liệu máy bay hiện đang cao hơn dự kiến, chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm đối với các dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • ĐHCĐ đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% cho năm tài chính 2021 dựa trên lợi nhuận giữ lại lũy kế của VJC. Ngày thực hiện dự kiến trong năm 2022. ĐHCĐ cũng đã ủy quyền cho HĐQT quyết định mức cổ tức cho năm 2022 dựa trên kết quả hoạt động của VJC trong năm.
  • Các cổ đông của VJC đã thông qua (1) kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành vào năm 2022-2023 với thời gian hạn chế giao dịch từ 1 đến 3 năm và (2) đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá 300 triệu USD vào năm 2022. Chúng tôi lưu ý rằng các kế hoạch này ban đầu được đề xuất tại ĐHCĐ năm 2021 của công ty nhưng không được thực hiện do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Vận tải hành khách phục hồi, dẫn dắt bởi các chuyến bay nội địa. Ban lãnh đạo có kế hoạch mở lại tất cả các đường bay trong nước và quốc tế vào năm 2022, ngoại trừ các đường bay đến và từ Trung Quốc do chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của quốc gia này. VJC kỳ vọng mảng nội địa (chiếm 50% doanh thu vận tải hành khách) sẽ quay trở lại như mức trước dịch COVID-19 (năm 2019) vào cuối năm 2022, trong khi mảng quốc tế sẽ chỉ phục hồi khoảng 70% mức trước dịch COVID-19 vào cuối năm 2022. VJC sẽ nối lại hoàn toàn các chuyến bay với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ trong những tháng tới. VJC cũng có kế hoạch mở các đường bay quốc tế mới trong tương lai. Nhìn chung, VJC đặt mục tiêu khai thác 100.000 chuyến bay (+ 144% YoY - 72% mức năm 2019) và vận chuyển 18 triệu hành khách (+129% YoY – 72% mức năm 2019) vào năm 2022.

Kiểm soát chi phí nhiên liệu là ưu tiên hàng đầu của VJC trong năm 2022. VJC có kế hoạch giảm tổn thất nhiên liệu, tối ưu hóa các tuyến bay, sử dụng hợp đồng bảo hiểm rủi ro và thực hiện các kế hoạch cắt giảm chi phí khác để giảm thiểu tác động tiêu cực từ giá nhiên liệu máy bay tăng cao. Theo ban lãnh đạo, hãng hàng không có chính sách cho phép bảo hiểm rủi ro khoảng 30% nhu cầu nhiên liệu trong vòng 6 tháng. VJC cũng kỳ vọng đội bay Airbus thế hệ mới với động cơ “neo” - lớn nhất tại Việt Nam sẽ giúp hãng duy trì cạnh tranh vì các dòng máy bay này tiêu thụ ít nhiên liệu hơn 17% so với các dòng máy bay cũ. Cuối cùng, VJC có thể áp dụng phụ phí xăng dầu để bảo vệ lợi nhuận của công ty.

Ban lãnh đạo đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho mảng vận tải hàng hóa; hướng đến mục tiêu IPO vào năm 2022-2023. VJC có kế hoạch vận chuyển 122.000 tấn hàng hóa (+94% YoY) trong năm 2022. Trong dài hạn, ban lãnh đạo có tham vọng phát triển thương hiệu chuyển phát nhanh Swift 247 và có thể thành lập đội bay chuyên vận tải hàng hóa để trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics điện tử . Ngoài ra, VJC có kế hoạch IPO cho mảng kinh doanh vận tải này trong giai đoạn năm 2022-2023.