Nguồn: SSI
Lợi nhuận năm 2023 dự kiến vượt kế hoạch
Lợi nhuận năm 2022 đạt mức cao kỷ lục nhờ chênh lệch giá crack tăng vọt, đặc biệt là trong quý 2: Lũy kế cả năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của BSR lần lượt đạt 167 nghìn tỷ đồng và 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 65% và 120% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ của công ty trong năm tăng 9% từ mức nền thấp trong năm 2021 lên 7 triệu tấn, tương đương với mức của năm 2018-2019, nhờ nhu cầu phục hồi cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, động lực chính dẫn đến lợi nhuận kỷ lục năm 2022 đến từ chênh lệch giá crack ở mức cao, đặc biệt là trong Q2/2022, do (1) nhu cầu trên toàn thế giới phục hồi sau khi mở cửa trở lại, (2) sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine và (3) công suất lọc dầu giảm do nhiều nhà máy lọc dầu thua lỗ phải đóng cửa sau 2 năm đại dịch. Điều này dẫn đến sự gia tăng chênh lệch giá crack trong khu vực từ khoảng 11,5 USD/thùng trong Q1/2022 lên 30 USD/thùng trong Q2/2022 trước khi quay về mức bình thường dưới 20 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023: Theo nghị quyết của Hội đồng quản trị, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty lần lượt là 95,6 nghìn tỷ đồng (-42,8% so với cùng kỳ) và 1,63 nghìn tỷ đồng (-89% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng tiêu thụ giả định giảm 20% so với cùng kỳ xuống 5,6 triệu tấn. Kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định giá dầu Brent quanh mức 70 USD/thùng.
Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng BSR thường đưa ra kế hoạch thận trọng, đặc biệt là trong hai năm qua. Lợi nhuận ròng thực tế vượt xa kế hoạch 7 lần trong năm 2021 và 10 lần trong năm 2022. Sản lượng tiêu thụ thực tế cũng thường vượt kế hoạch trung bình 6% trong 5 năm qua (ngoại trừ năm 2021, do Covid-19).
Ban lãnh đạo cho rằng chênh lệch giá crack dự kiến ở mức cao hơn, trong khoảng từ 18 USD đến 20 USD/thùng trong năm 2023, trước khi thu hẹp về khoảng 13 USD đến 17 USD/thùng trong năm 2024. Mức này thấp hơn mức bình quân khoảng 20 USD/thùng trong năm 2022, nhưng vẫn cao hơn giai đoạn 2020-2021.
Công ty có thể hoãn việc bảo trì nhà nếu thị trường tiếp tục thuận lợi: BSR dự kiến sẽ đóng cửa nhà máy khoảng 52 ngày trong năm 2023 để bảo trì định kỳ ba năm một lần. Tổng chi phí bảo trì ước tính khoảng 90 triệu USD và dự kiến sẽ được khấu hao trong ba năm. Tuy nhiên, công ty có thể cân nhắc lùi thời gian bảo trì đến năm 2024 nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng Tư. Việc tạm hoãn bảo trì sẽ giúp sản lượng tiêu thụ năm 2023 cải thiện 17% so với kịch bản cơ sở.
Công ty sử dụng khoảng 60% nguyên liệu đầu vào từ các mỏ dầu trong nước và các nguồn khác từ nước ngoài. Các nhà cung cấp chính trong năm 2022 bao gồm Mỹ, Nam Phi và Azerbaijan.
Dự án mở rộng nhà máy: BSR đang chờ Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư 1,25 tỷ USD. Dự án sẽ mất ít nhất năm năm để hoàn thành kể từ thời điểm phê duyệt. Cơ cấu sản phẩm sau khi mở rộng về cơ bản sẽ không có sự thay đổi so với hiện tại.
Cổ tức: Cổ tức cho năm 2022 sẽ được thống nhất tại ĐHCĐ nhưng dự kiến trong khoảng 5%- 7% bằng tiền mặt, tương đương với tỷ suất cổ tức từ 3%-4,5%.
Ước tính và luận điểm đầu tư: Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 của BSR sẽ giảm lần lượt -21,5% và -57,7% so với cùng kỳ, xuống còn 131,2 nghìn tỷ đồng và 6,2 nghìn tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 6,0 triệu m3/tấn (-15% so với cùng kỳ) trong kịch bản cơ sở giả định việc bảo trì nhà máy vẫn được diễn ra. Chúng tôi cũng giả định rằng giá dầu Brent bình quân là 83 USD/thùng (-17% so với cùng kỳ) và chênh lệch giá crack trung bình sẽ giảm 30% so với cùng kỳ trong năm 2023. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu BSR, với giá mục tiêu 1 năm là 16.600 đồng/cp dựa trên P/E mục tiêu là 8x, là mức bình quân của các công ty trong khu vực. Tuy nhiên, việc giá dầu sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến trích lập dự phòng hàng tồn kho của công ty, cũng như giá cổ phiếu trong ngắn hạn.