CTCP Nam Việt (ANV): Nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sẽ thúc đẩy lợi nhuận

Nguồn: VCSC

Nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sẽ thúc đẩy lợi nhuận

 

AVN

 

  • CTCP Nam Việt (ANV) là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ ba tại Việt Nam với thị phần xuất khẩu đạt khoảng 6% vào năm 2021, theo ước tính của chúng tôi. Các thị trường chính của ANV bao gồm Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Trung Quốc.
  • Do nhu cầu thấp từ ngành dịch vụ ăn uống và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021, LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 của ANV chỉ bằng 17% con số của năm 2019. Tuy nhiên, ngành cá tra có dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2022, chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của ANV.
  • Theo quan điểm của chúng tôi, việc mở cửa trở lại đang diễn ra của các ngành dịch vụ ăn uống trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu cá tra trong khi nguồn cung cá tra của Việt Nam – vốn chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 - sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023, dẫn đến triển vọng cung - cầu thuận lợi cho các nhà xuất khẩu cá tra như ANV trong năm 2022.
  • Trong bối cảnh này, chúng tôi cho rằng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 của ANV có thể vượt mức của năm 2019, tương ứng P/E năm 2022 thấp hơn 8,3 lần. Mức định giá này là hấp dẫn so với P/E hợp lý dự kiến của chúng tôi đối với ANV là 9 lần, thấp hơn 10% so với P/E mục tiêu năm 2022 của chúng tôi cho VHC do tình hình kinh doanh kém ổn định hơn của ANV.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: các quy định nhập khẩu thắt chặt hơn ở Trung Quốc do chiến lược không COVID-19 của quốc gia này.
  • Yếu tố hỗ trợ: Trung Quốc nới lỏng chính sách không COVID; ANV giành thị phần tại Mỹ.

Bối cảnh cung - cầu thuận lợi giúp hỗ trợ giá bán cá tra nguyên liệu và philê. Tính đến tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam tăng 33% so với đầu năm (YTD) và 45% YoY lên 1,4 USD/kg do nhu cầu phục hồi mạnh mẽ và nguồn cung cá tra của Việt Nam bị hạn chế. Nguyên nhân của diễn biến đầu tiên là sau khi ngành dịch vụ ăn uống toàn cầu mở cửa trở lại, trong khi nguyên nhân của lý do thứ hai là do (1) dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất cá tra trong năm 2021 (cụ thể: hoạt động nuôi trồng và chế biến bị gián đoạn) và (2) giá cá tra thấp khiến hoạt động chăn nuôi giảm trong nửa cuối 2021. Theo quan điểm của chúng tôi, tình trạng khan hiếm nguồn cung này có thể kéo dài đến gần hết năm 2022 do nguồn cung cá tra của Việt Nam sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023.

ANV sở hữu chuỗi giá trị tích hợp với 100% cá tra nguyên liệu được tự chủ, đây sẽ là lợi ích lớn trong giai đoạn tăng giá cá tra. Chuỗi giá trị của ANV bao gồm từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống và nuôi trồng đến chế biến phi lê và tái chế phụ phẩm. Trong thời gian nguồn cung thắt chặt, giá bán trung bình của ANV thường tăng theo giá cá tra nguyên liệu trong khi chi phí sản xuất gần như ổn định do chuỗi giá trị tích hợp của công ty. ANV cũng bán cá tự nuôi cho các nhà xuất khẩu khác trong những giai đoạn này.

Việc mở rộng sang các sản phẩm collagen và gelatin (C&G) và sự đóng góp ngày càng tăng từ thị trường Mỹ đẹm lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn. ANV đang mở rộng sang mảng C&G giá trị cao tương tự như công ty dẫn đầu ngành VHC. Nhà máy C&G đầu tiên của ANV đã được xây dựng vào cuối năm 2021. ANV cũng nhận có mức thuế chống bán phá giá 0% đối với cá tra philê đông lạnh xuất sang Mỹ trong năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng đóng góp ngày càng tăng từ C&G và thị trường Mỹ sẽ cải thiện sự ổn định kinh doanh của ANV; tuy nhiên, điều này sẽ mất vài năm để bắt đầu đóng góp tích cực.