CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP): IPO GENCO1 thúc đẩy mức cổ tức cao kỷ lục

Nguồn: VCSC

IPO GENCO1 thúc đẩy mức cổ tức cao kỷ lục

 

QTP

 

  • CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) có nhà máy nhiệt điện than trẻ có công suất 1.200 MW. Công ty đặt trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh và có vị trí thuận lợi để tận dụng nhu cầu điện mạnh mẽ ở miền Bắc Việt Nam đồng thời tận dụng mỏ than lớn nhất Việt Nam, giúp QTP có rủi ro thiếu than thấp.
  • QTP là công ty liên kết có 16% cổ phần được sở hữu bởi CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC). Dự báo của chúng tôi cho QTP phù hợp với các giả định của chúng tôi trong Báo cáo cập nhật PPC ngày 28/04/2022. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận và cổ tức của QTP sẽ tăng do chi phí khấu hao và lãi vay giảm.
  • Chúng tôi dự báo cổ tức hằng năm đạt 1.600 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2022-2026 khi số dư nợ của QTP giảm đáng kể.
  • Chúng tôi nhận thấy mức định giá của QTP hấp dẫn ở mức EV/EBITDA năm 2022 là 4,7 lần, dựa trên dự báo của chúng tôi – thấp hơn 70% so với các công ty cùng ngành trong khu vực. P/E trượt của QTP là 12,4 lần, thấp hơn so với các công ty cùng ngành tương đồng là NT2 và HND.
  • Yếu tố hỗ trợ: IPO thành công công ty mẹ EVNGENCO1; thanh khoản tăng nhờ niêm yết trên sàn HOSE; Việc thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể dẫn đến mức cổ tức cao hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Thành phần cố định trong giá PPA năm 2025 thấp hơn dự kiến.

Chi phí nợ và khấu hao giảm sẽ hỗ trợ cho việc chi trả cổ tức cao. Chúng tôi dự báo QTP sẽ giảm dư nợ xuống còn khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng (-35% YoY) trong năm 2022 và thanh toán hết nợ trong năm 2024. Chúng tôi cũng kỳ vọng chi phí khấu hao sẽ giảm 70% YoY trong năm 2025. Chúng tôi dự báo dòng tiền HĐKD trung bình hàng năm đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, đủ để hỗ trợ mức cổ tức tiền mặt cao là 1.600 đồng/CP (tương đương với lợi suất cổ tức là 10,2%) trong giai đoạn 2022-2026 - ngay cả khi công ty sử dụng 2,3 nghìn tỷ đồng cho 1 dự án để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong giai đoạn 2022-2023.

Mức tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ phục hồi sau dịch COVID-19, đảm bảo hiệu suất hoạt động cao cho QTP. Chúng tôi dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 8,0% YoY trong năm 2022 từ mức cơ sở thấp khoảng 4,5% của năm 2021, dựa trên dự báo tăng trưởng GDP của chúng tôi cho Việt Nam là 7,2% vào năm 2022. Cụ thể, chúng tôi giả định miền Bắc sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện trong năm 2023 do tăng trưởng công suất thấp trong 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của công suất lắp đặt 5 năm của miền Bắc chỉ đạt 3,4% trong giai đoạn 2017-2021, thấp hơn so với CAGR của mức tiêu thụ điện dự kiến là 11,3% trong giai đoạn 2019-2025, theo Bộ Công Thương (MoIT).

QTP có lợi thế về chi phí sản xuất do suất đầu tư trên mỗi MW thấp là 17,9 tỷ đồng/MW so với mức trung bình 25,1 tỷ đồng/MW đối với các nhà máy nhiệt điện than khác trong mẫu so sánh của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng QTP sẽ trở nên cạnh tranh hơn nhờ giảm chi phí khấu hao. Giá gián bán điện theo hợp đồng (PPA) của QTP đã giảm từ 401 đồng/kwh trong năm 2021 xuống còn 357 đồng/kwh trong năm 2022 do Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 đã hết khấu hao. Chúng tôi ước tính giá PPA sẽ giảm xuống còn 307 đồng/kwh vào năm 2025 sau khi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 2 hết khấu hao.