CTCP Nhựa Bình Minh (BMP): Lợi nhuận đạt kỷ lục trong Q1/2023

    Nguồn: SSI

Lợi nhuận đạt kỷ lục trong Q1/2023
 

BMP

 

KQKD Q1/2023

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ do BMP tổ chức. Dưới đây là một số thông tin tóm tắt từ cuộc họp:

Kế hoạch doanh thu thuần và LNST cho năm 2023 lần lượt được đặt ở mức 6,4 nghìn tỷ đồng (+9% svck) và 651 tỷ đồng (-6% svck). Kế hoạch về lợi nhuận phản ánh quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về nhu cầu thị trường yếu hơn và biến động giá đầu vào của PVC. BMP đặt mục tiêu tập trung vào sản lượng tiêu thụ và quản trị hàng tồn kho.

Lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục trong Q1/2023 nhờ giá bán trung bình duy trì ở mức cao và giá đầu vào PVC thấp hơn dự kiến. Trong Q1/2023, BMP công bố doanh thu thuần và LNST lần lượt đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (+7% svck) và 281 tỷ đồng (+120% svck). Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 24 nghìn tấn (+8% svck) với giá bán trung bình đạt 59 triệu đồng/tấn (-1% svck). Chúng tôi lưu ý rằng mức chiết khấu cao hơn cho các nhà phân phối là một yếu tố chính mang lại kết quả này, đặc biệt là chính sách ưu đãi giảm 5% trực tiếp vào giá bán vào cuối tháng 3/2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục tăng từ 33,7% trong Q4/2022 lên 38,5% trong Q1/2023 do giá PVC giảm. Giá PVC tiếp tục duy trì mức cận dưới trong khoảng 860-900 USD/tấn trong Q1/2023 (-40% svck, đi ngang so với quý trước), thấp hơn so với ước tính ban đầu của công ty. Do tỷ suất lợi nhuận gộp tăng, lợi nhuận ròng/tấn đạt mức cao kỷ lục là 11,5 triệu đồng/tấn trong Q1/2023, tăng đáng kể so với mức 5,6 triệu đồng/tấn trong Q1/2022.

Khi sản lượng tiêu thụ yếu và giá PVC đầu vào giảm, các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa có xu hướng tăng chiết khấu cho các nhà phân phối. Trong Q1/2023, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu đạt 11,1%, so với mức 8,1% trong Q1/2022 và 8,3% trong Q4/2022. Bên cạnh đó, công ty thực hiện chương trình khuyến mãi vào nửa cuối tháng 3/2023 giảm 5% trừ trực tiếp vào giá bán, nhằm khuyến khích nhà phân phối nhập thêm hàng.

Bảng cân đối kế toán ổn định: BMP có tỷ lệ tiền mặt và đầu tư ngắn hạn là 59% trên tổng tài sản (31% vốn hóa thị trường) tính tại thời điểm Q1/2023, tương đương với tiền mặt & đầu tư ngắn hạn là 24.500 đồng/cổ phiếu và gần như không có vay nợ (vay nợ trên tổng tài sản chỉ 2%).

Kế hoạch chi phí đầu tư cho năm 2023 vào khoảng 55 tỷ đồng để bảo trì cơ sở vật chất (không có kế hoạch mở rộng công suất đáng kể). Như vậy, công suất hoạt động dự kiến của BMP trong năm 2023 là 70%.

Cổ tức bằng tiền mặt: Tại ĐHCĐ ngày 28/04/2023, BMP đã được phê duyệt chi trả cổ tức 8.400 đồng/cổ phiếu (99% lợi nhuận năm 2022), tương ứng với tỷ suất cổ tức là 10%. Công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt là 3.100 đồng/cổ phiếu trong năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục chi trả hơn 90% lợi nhuận cho cổ tức tiền mặt.

Ước tính lợi nhuận năm 2023

Giá PVC của khu vực Châu Á đã giảm từ mức đỉnh 1.200 - 1.400 USD/tấn trong Q2/2022 xuống còn khoảng 800 - 900 USD/tấn trong Q1/2023. Giá PVC giảm do mức tiêu thụ bị ảnh hưởng từ ngành bất động sản của khu vực Châu Á. Giá PVC của khu vực Châu Á từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2023 duy trì ổn định ở mức thấp khoảng 860 USD/tấn do giá than (chi phí đầu vào sản xuất PVC của Trung Quốc) thấp và nhu cầu tiêu thụ yếu. BMP dự kiến giá PVC đầu vào có khả năng tăng từ Q2/2023, vì giá PVC đầu vào của BMP trong Q1/2023 đã được hưởng lợi từ nguồn PVC giá thấp trong Q4/2022. Do đó, chúng tôi kỳ vọng chi phí PVC trong năm 2023 sẽ giảm 12% svck (từ ước tính giảm 10% svck trong báo cáo trước đây) thấp hơn so với năm 2022. Chi phí đầu vào PVC chiếm gần 80% chi phí sản xuất của BMP.

Trong năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (-4% svck) và lợi nhuận ròng đạt 767 tỷ đồng (+10% svck) với tỷ suất lợi nhuận ròng/tấn tăng lên 8 triệu đồng (so với 7,1 triệu đồng trong năm 2022). Chúng tôi nâng 21% dự báo lợi nhuận ròng cho năm 2023 do giá đầu vào PVC thấp hơn so với dự báo trước đó là 2%. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ và giá bán trung bình của công ty có thể giảm 2% svck do hoạt động xây dựng kém tích cực, nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt về giá. Theo Nhựa Tiền Phong (đối thủ cạnh tranh lớn nhất của BMP), giá bán của NTP trong tháng 4/2023 thấp hơn 15-20% so với BMP. Điều này sẽ làm tỷ suất lợi nhuận gộp của BMP giảm từ Q2/2023. Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đạt 32,4% trong năm 2023 so với 27,7% vào năm 2022 do giá PVC dự kiến giảm trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu sẽ đạt 11,5% trong năm 2023 so với 8,7% trong năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ yếu.

Định giá và luận điểm đầu tư

BMP đang giao dịch ở mức P/E 2023 là 8,8x, nằm trong mức giao dịch P/E bình quân 5 năm qua từ 7-10x. Dựa trên triển vọng tích cực hơn kỳ vọng và mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho năm 2023, chúng tôi áp dụng P/E mục tiêu 2023 là 9x (trước đây là 8x) để đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới là 84.300 đồng/cổ phiếu (từ 62.000 đồng/cp). Tuy nhiên, với tiềm năng tăng giá chỉ ở mức 2,3%, chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu xuống TRUNG LẬP (từ Khả quan).

Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong Q2/2023 và việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong Q2/2023 cũng sẽ hỗ trợ tăng giá cổ phiếu BMP. Tuy nhiên, nếu các chương trình khuyến mãi không được lặp lại, sản lượng tiêu thụ sẽ khó duy trì. Đồng thời, chi phí sản xuất dự kiến sẽ tăng so với quý trước. Do đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh trong Q1/2023 và tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023 có thể kém khả quan so với cùng kỳ, và nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi cơ hội.

Rủi ro tăng/giảm đối với khuyến nghị: Giá bán bình quân cao hơn/thấp hơn dự kiến và giá đầu vào PVC thấp/cao hơn dự kiến trong năm 2023.