CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF): Chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi khép kín 3F (Feed – Farm – Food)

Nguồn: VCSC

Chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi khép kín 3F (Feed – Farm – Food)

 

BAF

 

  • CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) là công ty mới trong lĩnh vực chăn nuôi heo tại Việt Nam và là một trong số ít các công ty ứng dụng hệ sinh thái “Feed – Farm – Food” (3F) vào mô hình kinh doanh.
  • Mảng kinh doanh nông sản là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất trong năm 2021, chiếm 93%. Tuy nhiên, BAF dự kiến tập trung phát triển mô hình 3F và rút khỏi mảng kinh doanh phân phối nông sản vào năm 2025.
  • LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2022 giảm 36% YoY, chủ yếu do (1) HĐKD cốt lõi ghi nhận doanh thu thấp và (2) chi phí tăng lên do nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới đi vào hoạt động. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp của BAF tăng thêm 1,3 điểm % YoY nhờ sự đóng góp nhiều hơn từ mảng 3F trong cơ cấu kinh doanh.
  • Trong năm 2022, chúng tôi dự báo đóng góp doanh thu lớn hơn từ mô hình 3F sẽ hỗ trợ lợi nhuận của BAF, được củng cố bởi (1) việc tăng năng suất của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Tây Ninh, và (2) mở rộng mảng chăn nuôi heo với dòng tiền ổn định từ các giao dịch trái phiếu sắp tới. Theo quan điểm của chúng tôi, mô hình 3F cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu heo hơi và giá thịt heo phục hồi trong năm 2022.
  • BAF hiện đang giao dịch với PE trượt là 16,8 lần – thấp hơn 16% so với trung vị một số công ty cùng ngành là 20,1 lần.
  • Rủi ro: Giá thức ăn chăn nuôi đầu vào (bắp) tăng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty chăn nuôi; (2) đòn bẩy tài chính tăng từ việc phát hành trái phiếu.

Triển vọng tích cực đối với nhu cầu và giá thịt heo. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các hoạt động du lịch, trường học và nhà máy mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 sẽ giúp tăng lượng tiêu thụ thịt heo. Chúng tôi cho rằng giá thịt heo sẽ tăng, hoặc duy trì quanh mức giá hiện tại trong ngắn hạn do (1) dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, (2) nhu cầu thịt heo tăng, và (3) nguồn cung giảm. Do đó, đối tượng hưởng lợi chính sẽ là các công ty chăn nuôi lớn có khả năng thích ứng trong môi trường giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Những đợt phát hành trái phiếu trong năm 2022 sẽ mang lại nguồn tiền mặt lớn cho BAF để đầu tư vào xây dựng nông trại chăn nuôi heo. BAF đang lên kế hoạch cho 2 đợt phát hành trái phiếu cho International Finance Corp (IFC) và 2 đợt phát hành trái phiếu khác cho các nhà đầu tư đại chúng trong năm 2022. Tổng giá trị phát hành khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng và số vốn huy động sẽ chủ yếu tài trợ cho việc mở rộng nông trại chăn nuôi heo, theo BAF. Tính đến cuối tháng 8/2022, BAF đã thực hiện 1 đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cho IFC (trị giá 600 tỷ đồng) và 1 đợt phát hành cho các nhà đầu tư đại chúng (trị giá 300 tỷ đồng) trong khi 2 đợt phát hành còn lại vẫn đang chờ thực hiện. Tính đến hiện tại, BAF đã công bố kế hoạch chi tiết đối với số vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cho IFC (xây dựng 6 nông trại chăn nuôi heo mới, nâng tổng công suất chăn nuôi của BAF lên gần gấp đôi). Ngoài ra, ban lãnh đạo cho biết mục đích sử dụng chính của nguồn vốn huy động từ tất cả các đợt phát hành trái phiếu là dùng cho việc xây dựng các nông trại nuôi heo mới. Do đó, chúng tôi dự báo phần lớn của khoản huy động 900 tỷ đồng từ các đợt phát hành trái phiếu còn lại cũng sẽ được sử dụng để xây dựng nông trại.