CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR): Xuất khẩu gạo dự báo tăng mạnh nhờ triển vọng toàn cầu thuận lợi

Nguồn: VCSC

Xuất khẩu gạo dự báo tăng mạnh nhờ triển vọng toàn cầu thuận lợi

 

TAR

 

  • CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo sạch & hữu cơ hàng đầu Việt Nam. Hàng năm, TAR cung cấp hơn 300,000 tấn gạo cho thị trường Việt Nam (chiếm 84% doanh thu năm 2021) và thị trường quốc tế (16% doanh thu năm 2021).
  • LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi 154% YoY, hoàn thành 46% kế hoạch kinh doanh 2022 của TAR.
  • Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của TAR sẽ cải thiện cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo quan điểm của chúng tôi, gạo sạch & hữu cơ có thương hiệu của TAR có vị thế tốt để hưởng lợi từ tình hình xuất khẩu gạo toàn cầu hiện tại.
  • TAR hiện đang giao dịch với P/E trượt 7.8 lần - chiết khấu 35% so với mức trung vị nhóm các công ty cùng ngành đã lựa chọn của chúng tôi là 11.9 lần. TAR thông báo sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% trong năm 2022.
  • Rủi ro chính: (1) Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; (2) rủi ro tài chính.

Lợi nhuận được cải thiện cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu gạo hàng đầu thế giới vào năm 2030. TAR – với sản phẩm cốt lõi là gạo sạch & hữu cơ có thương hiệu, nhờ đó, sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, theo quan điểm của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng TAR sẽ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng gạo sạch & hữu cơ ngày càng tăng của người Việt Nam. Đến năm 2025, TAR đặt mục tiêu mở rộng tổng diện tích trồng lúa từ khoảng 21,000 ha lên hơn 100,000 ha.

Xuất khẩu gạo của TAR được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ chủ nghĩa bảo hộ lương thực và thời tiết bất lợi trên toàn cầu. Do xung đột Nga-Ukraine, các nước trên thế giới đang hạn chế xuất khẩu hàng thiết yếu – bao gồm cả ngũ cốc – để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao. Các nhà nhập khẩu ngũ cốc không còn lựa chọn nào khác, đang phải tìm kiếm các giải pháp thay thế ở các nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Ấn Độ – nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới – vừa qua đã đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Quyết định này chủ yếu đến từ ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt tới sản lượng gạo sản xuất tại quốc gia này trong nửa đầu năm 2022. Ngoài ra, Trung Quốc và Bangladesh – các quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất và lớn thứ ba thế giới – cũng đang chứng kiến sản lượng lúa trong nước giảm mạnh do hạn hán hoặc lũ lụt. Việc thiếu hụt sản lượng gạo trong nước tại Trung Quốc & Bangladesh sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo, từ đó tạo áp lực làm tăng trưởng giá gạo toàn cầu trong năm 2022, theo quan điểm của chúng tôi. Và TAR – với vị thế dẫn đầu trong thị trường gạo sạch & hữu cơ của Việt Nam, sẽ là một trong những công ty được hưởng lợi. Kể từ đầu năm 2022, TAR đã liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo sang Châu Á và EU. TAR hiện có 100 ha trang trại tự sở hữu được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và dự kiến sẽ mở rộng lên 800 ha trong thời gian sắp tới để phục vụ các thị trường xuất khẩu khó tính – đặc biệt là EU.

Kế hoạch lấn sân sang các mảng kinh doanh khác đầy tham vọng. Cụ thể, TAR dự kiến sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; tham gia sản xuất các sản phẩm phụ từ lúa gạo; và xây dựng một nhà máy xử lý nước thải rắn sinh hoạt từ giờ đến năm 2025F.

Tăng room sở hữu nước ngoài từ 0% lên 49%. Ban lãnh đạo kỳ vọng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động của công ty sẽ góp phần hỗ trợ TAR thâm nhập thị trường quốc tế – đặc biệt là EU.