CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE): Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để dành tiền mặt cho M&A và vốn XDCB

    Nguồn: VCSC

Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để dành tiền mặt cho M&A và vốn XDCB
 

BWE

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) tại tỉnh Bình Dương vào ngày 31/03/2023. Nhìn chung, ban lãnh đạo BWE duy trì quan điểm tích cực đối với các cơ hội M&A và đầu tư phát triển các doanh nghiệp ngành nước tại các tỉnh khác có tiềm năng tăng trưởng lớn.
  • Cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14% (tương ứng 100 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận thêm 14 cổ phiếu), sẽ được thực hiện trong năm 2023, so với dự báo hiện tại của chúng tôi là cổ tức tiền mặt 1.400 đồng/cổ phiếu. Phản hồi câu hỏi của cổ đông, ban lãnh đạo của BWE cho biết công ty có kế hoạch giữ lại tiền mặt chủ yếu để chi cho việc M&A và đầu tư (khoảng 1,0 nghìn tỷ đồng chi cho việc M&A CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An và cấp thêm vốn sau khi M&A và các khoản khác) cũng như mở rộng mạng lưới cấp nước của công ty (khoảng 900 tỷ đồng). BWE hiện có kế hoạch sơ bộ chi trả cổ tức tiền mặt trở lại trong năm 2024.
  • ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 là 3.970 tỷ đồng (+14% YoY) và LNST tối thiểu 720 tỷ đồng (-3% YoY), dựa trên sản lượng nước thương phẩm tối thiểu là 186 triệu m3 (+3 % YoY) so với giả định của chúng tôi là tăng trưởng 7% YoY. Mục tiêu doanh thu và LNST năm 2023 của BWE lần lượt tương ứng 109% và 85% dự báo cả năm 2023 của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng BWE đã vượt mục tiêu lợi nhuận trung bình khoảng 20% trong 4 năm qua.
  • Trong tháng 3/2023, BWE đã lần lượt mua lại 24,5% và 25% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Long An (UPCoM: LAW) và CTCP Cấp nước Quảng Bình (UPCoM: NQB). Ngoài ra, BWE đang xúc tiến các thủ tục để thanh toán và chuyển quyền sở hữu của 4 công ty cấp nước khác tại Long An và một công ty cấp nước khác tại Quảng Bình.
  • BWE đặt mục tiêu lập BCTC theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) từ năm 2023- 2024. CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) — công ty cấp nước khác tại Bình Dương, nắm giữ 37,4% cổ phần của BWE — có thể cũng sẽ lập BCTC theo tiêu chuẩn IFRS vào năm 2025.

Sản lượng nước thương phẩm trong quý 1/2023 giảm nhẹ. Sản lượng nước trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 1% YoY và hoàn thành 15% dự báo về sản lượng nước cả năm của chúng tôi. Sản lượng nước thương phẩm trong quý 1/2023 ước tính thấp hơn một chút so với quý 1/2022, nhưng chủ tịch HĐQT của BWE kỳ vọng sản lượng nước sẽ cải thiện trong các quý tiếp theo. Chúng tôi duy trì dự báo sản lượng nước sẽ phục hồi trong thời gian còn lại trong năm 2023, giúp sản lượng nước thương phẩm tăng 7% YoY đạt 194 triệu m3 trong năm 2023, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

BWE đã trình các đề xuất mới về biểu giá nước, phí xử lý nước thải và phí xử lý chất thải lên cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. Cơ chế giá nước trước đây đã hết hiệu lực vào cuối năm 2022. Chúng tôi hiện dự báo giá nước trong năm 2023 sẽ đ ingang so với cùng kỳ nhưng sẽ tăng 3%/năm từ năm 2024. Ngoài ra, chúng tôi dự báo phí xử lý rác thải dân dụng sẽ tăng 10% Yo trong năm 2023.

Trong tháng 3/2023, BWE đã lần lượt mua lại 24,5% và 25% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Long An (UPCoM: LAW) và CTCP Cấp nước Quảng Bình (UPCoM: NQB) từ CTCP DNP Holding. Chúng tôi ước tính BWE đã chi 60 tỷ đồng để mua cổ phần của LAW và 60 tỷ đồng cho NQB. LAW sở hữu 3 nhà máy nước với tổng công suất 46.200 m3/ngày và cung cấp nước cho TP. Tân An và một số KCN, KDC tại tỉnh Long An. Năm 2022, LAW có vốn điều lệ là 122 tỷ đồng, LNST sau lợi ích CĐTS là 14 tỷ đồng (+21% YoY) và EPS là 938 đồng. NQB là công ty lớn nhất trong ngành nước tại tỉnh Quảng Bình. Tổng công suất của NQB là 45.000 m3/ngày và nhà máy lớn nhất của công ty là nhà máy nước Phú Vinh (19.000 m3/ngày). NQB cung cấp nước cho thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và một số KCN của tỉnh Quảng Bình. Vào năm 2022, NQB có vốn điều lệ là 172 tỷ đồng, LNST sau lợi ích CĐTS là 11 tỷ đồng (+56% YoY) và EPS là 311 đồng.

BWE đang tiến hành mua lại 20%-100% cổ phần của CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An (DNP Long An Water). DNP Long An Water sở hữu nhà máy xử lý nước Nhị Thành (công suất 60.000 m3/ngày) và đã đảm bảo đủ quỹ đất để tăng gấp đôi công suất lên 120.000 m3/ngày — tương đương khoảng 15% công suất của BWE. Tính đến năm 2022, DNP Long An Water có vốn điều lệ là 322 tỷ đồng. BWE dự kiến chi khoảng 500 tỷ đồng cho thương vụ M&A này và sau đó sẽ đầu tư thêm vốn để tăng gấp đôi công suất trong thời gian tới do nhu cầu nước sạch của tỉnh Long An tăng mạnh.

Tỉnh Long An có nhu cầu nước ổn định. Ngành nước tại tỉnh Long An được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng cũng như tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng tăng. Việc mở rộng các KCN trên địa bàn tỉnh trong 10 năm tới sẽ gắn liền với nhu cầu nước ngày càng tăng — đặc biệt là khi các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước chiếm phần lớn trong số các doanh nghiệp tại tỉnh Long An. Do đó, tỉnh này có nhu cầu cao về nước sạch với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến trong giai đoạn 2020-2030 là 5% (theo kế hoạch của BWE). Hai công ty sản xuất nước lớn tại Long An là LAW và DNP Long An Water (chiếm khoảng 50%-60% thị phần). BWE cũng có kế hoạch mua thêm 3 công ty cấp nước tại tỉnh Long An  — CTCP Công trình Đô thị Châu Thành, CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc và CTCP Nước & Môi trường Bằng Tâm.

BWE đặt mục tiêu lập BCTC theo tiêu chuẩn IFRS từ năm 2023-2024, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế. Ngoài ra, ĐHCĐ đã thông qua việc BWE đổi tên công ty từ CTCP Nước – Môi trường Bình Dương thành CTCP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương.