CTCP Phú Tài (PTB): Đơn hàng giảm ảnh hưởng lợi nhuận trong ngắn hạn

Nguồn: VCSC

Đơn hàng giảm ảnh hưởng lợi nhuận trong ngắn hạn

 

PTB

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Phú Tài (PTB) dù giảm 35% giá mục tiêu do giá cổ phiếu của công ty đã giảm 36% trong 3 tháng qua. Giá mục tiêu thấp hơn của là do (1) chúng tôi giảm 24% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2022-2024 và giảm P/E mục tiêu đã chiết khấu từ 8.8 lần còn 8,2 lần. Những yếu tố này được bù đắp một phần nhờ cập nhật mô hình định giá từ giữa 2023 sang cuối 2023.
  • Chúng tôi điều chỉnh dự báo LNST sau lợi ích CĐTS do giảm dự báo doanh thu và biên lợi nhuận ròng vì chúng tôi có quan điểm kém tích cực hơn đối với triển vọng nhu cầu khách hàng từ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chúng tôi giả định mảng đồ gỗ nội thất Việt Nam và doanh thu xuất khẩu của PTB sẽ duy trì diễn biến kém tích cực trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi, phù hợp với kỳ vọng của các công ty trong ngành.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi 2022 (không bao gồm BĐS và ghi nhận một lần thiệt hại do cháy) sẽ giảm 9% trong 2022 từ mức cơ sở thấp t2021 trước khi phục hồi 7% YoY trong 2023.
  • Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E cốt lõi dự phóng năm 2023 là 8,4 lần so với trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 11,0 lần. Chúng tôi cho rằng mức định giá thấp hơn này là hợp lý đối với cơ cấu công ty đa ngành của PTB và các yếu tố chưa chắc chắn hiện tại về triển vọng nhu cầu khách hàng.
  • Rủi ro tiềm ẩn: Hoạt động xây dựng trong nước hoặc nước ngoài và nhu cầu từ thị trường nhà ở thấp do các diễn biến vĩ mô bất lợi; các mảng kinh doanh mới chậm (BĐS và thạch anh); những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Mảng đồ gỗ nội thất của Việt Nam có đơn hàng giảm; chúng tôi dự kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ phục hồi vào giữa năm 2023. Doanh thu mảng đồ gỗ nội thất giảm 8% YoY trong quý 3/2022 sau đà tăng 7% YoY trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi giá trị xuất khẩu gỗ & sản phẩm gỗ 9T 2022 của Việt Nam tăng 11% YoY, mức tăng trưởng này một phần đến từ xuất khẩu viên gỗ nén trong bối cảnh giá năng lượng tăng. Theo nguồn tin trong nước và các hiệp hội ngành gỗ, các đơn hàng xuất khẩu nội thất đã bị cắt giảm 30%-50% so với mức bình thường. Các công ty dự báo diễn biến kém tích cực này sẽ tiếp tục kéo dài trong giai đoạn quý 4/2022 – quý 1/2023, và nhiều công ty cho rằng diễn biến này sẽ kéo dài đến quý 2/2023. Một số đơn vị xuất khẩu nội thất đã giảm giờ làm, cho phép công nhân nghỉ Tết sớm hoặc cắt giảm nhân công. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhân ngành may mặc và đồ gỗ nội thất là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất trong tất cả các ngành công nghiệp (xem thêm thông tin về thị trường lao động trong Báo cáo Vĩ mô ngày 29/11/2022).

Thị trường BĐS ảnh hưởng cả mảng đá và đồ gỗ. Lãi suất tăng cao tại Mỹ tiếp tục ảnh hưởng nhu cầu nhà ở, từ đó ảnh hưởng đến mảng xuất khẩu đá và đồ gỗ nội thất của Việt Nam. Thị trường Mỹ thường chiếm 60% xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Ngoài ra, doanh thu đá trong nước của PTB (chiếm 18% doanh thu năm 2021 không bao gồm mảng phân phối ô tô và BĐS) cũng phụ thuộc vào thị trường BĐS trong nước. Diễn biến thắt chặt thanh khoản hiện tại và thủ tục pháp lý kéo dài trong việc phê duyệt các dự án ảnh hưởng đến triển vọng ngắn hạn của thị trường BĐS và tạo ra điểm không chắc chắn đối với triển vọng trong dài hạn hơn.

Theo PTB, công ty không có vấn đề thanh khoản. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng PTB hiện có tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao với tỷ lệ nợ ròng/vốn CSH là 56% tính đến cuối quý 3/2022. Tỷ lệ dòng tiền từ HĐKD/LNST đạt 73% trong giai đoạn 2017-2021. Chúng tôi dự báo tỷ lệ tổng nợ/EBITDA đạt khoảng 1,5 lần trong giai đoạn 2022-2023.