CTCP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Chuyển đổi đất từ trồng cao su sang KCN là động lực chính đến năm 2025

Nguồn: SSI

Chuyển đổi đất từ trồng cao su sang KCN là động lực chính đến năm 2025

 

GVR

 

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ do GVR tổ chức vào ngày 16/6/2023. Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất cho năm 2023 là 27,52 nghìn tỷ đồng (thấp hơn 2,7% so với kết quả đạt được trong năm 2022), trong khi kế hoạch LNST hợp nhất được đặt ở mức thấp hơn là 4.264 nghìn tỷ đồng (-10,3% svck), do (i) GVR dự báo giá bán bình quân sẽ giảm trong năm 2023 và thấp hơn so với năm 2022; (ii) Sản phẩm gỗ MDF sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu bất động sản sụt giảm; và (iii) Các KCN của GVR có quy mô tương đối nhỏ và tỷ lệ lấp đầy gần như 100%.

Kế hoạch CAPEX là 431,5 tỷ đồng (+54x svck). Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở mức 378 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty dự kiến tăng 1,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào các công ty liên doanh và liên kết.

GVR hiện đang triển khai 8 dự án khu công nghiệp tại các công ty con và công ty liên kết, với tổng diện tích là 2.921 ha. Các dự án KCN tại các công ty con, công ty liên kết bao gồm: (i) Dự án KCN NTC3 - Bình Dương (với tổng diện tích là 344 ha; GVR sở hữu 20,42%) đã được UBND tỉnh Bình Dương quyết định cho thuê đất; (ii) Các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gồm: (a) Dự án KCN Bắc Đồng Phú (với tổng diện tích là 317ha; GVR sở hữu 28,17%); (b) Dự án KCN Rạch Bắp (với tổng diện tích là 360 ha; GVR sở hữu 92,67%); và (c) Dự án KCN Minh Long 3 (với tổng diện tích là 577,33 ha; GVR sở hữu 39,8%).

Công ty dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3,5% trên mệnh giá cho năm 2023.

Tiến độ chuyển đổi quỹ đất: Đến năm 2025, GVR dự kiến sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xin phép đầu tư và triển khai đầu tư phát triển KCN. Tổng diện tích đất KCN đến năm 2025 dự kiến đạt 23.444 ha, chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng cao su sang đầu tư KCN. GVR hiện đang triển khai 10.977 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thoái vốn tại công ty con: Giai đoạn 2021-2025, GVR tiếp tục cho rằng việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết sẽ gặp khó khăn do vấn đề định giá lại đất trồng cao su vẫn còn nhiều vướng mắc.

Luận điểm đầu tư: GVR hiện đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng lần lượt là 16,7x và 1,42x, cao hơn P/E trung bình ngành là 9,7x và P/B là 1,1x. GVR có diện tích đất trồng cao su lớn nhất cả nước, với 394.782 ha đất, tại nhiều địa điểm khác nhau như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh... Việc chuyển đổi hơn 10.000 ha đất trồng cao su sang đất KCN là một cơ hội đặc biệt để công ty nắm bắt và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần lưu ý những khó khăn, chậm trễ trong tiến độ chuyển đổi đất trồng cao su sang KCN và thời gian đấu giá đất kéo dài hơn dự kiến.

Rủi ro: (i) Việc chuyển đổi đất từ đất trồng cao su sang đất KCN có thể gặp khó khăn và chậm trễ; (ii) Việc tái cấu trúc các công ty con trong tập đoàn cũng là một thách thức, do việc định giá lại đất trồng cao su còn nhiều vướng mắc; và (iii) Nhu cầu cao su nói chung có thể giảm do nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.