Nguồn: ABS
Hoàn thiện chuỗi giá trị Logistics Hàng hải là động lực phát triển
Điểm nhấn đầu tư
VSC là một trong những doanh nghiệp cảng biển niêm yết lớn ở Việt Nam với giá trị vốn hóa đứng trong top 3 ngành. Phần lớn cảng của VSC tập trung là ở trung nguồn nằm trên sông Cấm, phía ngoài cầu Bạch Đằng, Hải Phòng với khả năng đón tàu trọng tải ở mức trung bình, khoảng 42.000 DWT. Với vị trí như hiện tại, VSC sẽ có cơ hội đón được các tàu vận tải quốc tế và có lợi thế hơn khi ở phân khúc trung nguồn. Cụ thể, lưu chuyển hàng hóa ở thượng và hạ nguồn đang gặp khó khăn trong thời gian gần đây do (1) hạ nguồn gặp hiện tượng sa bồi tăng cường trong 3 năm qua (2) thượng nguồn có lưu lượng hàng hóa giảm do cầu Bạch Đằng hoàn thiện từ 2018.
Sản lượng hàng hóa đi qua cảng biển Hải Phòng tăng trưởng đều suốt các năm (theo thống kê của Cảng vụ Hải Phòng). Đây là động lực phát triển chính của các cảng biển ở khu vực Hải Phòng và Viconship trong thời gian qua. Tuy nhiên trong 5T2022, do ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu từ đợt lockdown của Trung Quốc và chiến tranh Nga - Ukraine, tổng sản lượng hàng hóa vận tải biển qua cảng biển Hải Phòng giảm nhẹ 0.5% svck 2021.
VSC có lợi nhuận tăng trưởng trung bình 5 năm ở mức 12%. LNST năm 2021 đạt 414 tỷ đồng với biên lợi nhuận thuần mở rộng, đồng pha với tăng trưởng của ngành nhưng công suất hoạt động đã gần đạt đến mức tối ưu. Lợi nhuận Q1/2022 tăng trưởng ở mức 42% svck 2021 nhưng giảm nhẹ 1,6% so với Q4/2021 do đã qua đỉnh sau thời kỳ tăng trưởng nóng bởi dịch COVID-19.
Cơ cấu tài chính lành mạnh. Tại 31/3/2022, VSC không có khoản vay nào trên BCTC hợp nhất. Chỉ số thanh toán hiện hành ở mức 6,9x cao hơn gấp đôi trung bình ngành 3,4x. Điều này cũng cho thấy VSC có tiềm lực tài chính tốt và dư địa sử dụng đòn bẩy, huy động vốn cho đầu tư mở rộng trong tương lai.
Chi trả cổ tức đều đặn qua các năm. Tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền ở mức cao trong suốt giai đoạn từ 2017 – 2020 từ 20 – 30%. Năm 2021, VSC dự kiến trả cổ tức 5% bằng tiền mặt và 10% là cổ phiếu do định hướng mở rộng đầu tư vào các thương vụ M&A trong năm 2022, cụ thể là mua lại cảng cạn ICD Quảng Bình – Đình Vũ trong Q2/2022.
Rủi ro đầu tư
Rủi ro từ gián đoạn chuỗi cung cứng trong ngắn hạn, các khách hàng lớn của VSC như Evergreen bị ảnh hưởng nặng nề từ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá thuê tàu tăng cao, thiếu hụt container rỗng nên phải tạm thời cơ cấu lại tuyến dịch vụ tại cảng khu vực Hải Phòng. Ngoài ra ảnh hưởng từ chiến tranh Nga – Ukraine khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng biển bị ảnh hưởng, được World Bank dự đoán có thể kéo dài đến hết năm 2022.
Rủi ro cạnh tranh từ các cảng khác trong khu vực. Trong năm 2022, tuyến Lạch Huyện (hạ nguồn) về cơ bản sẽ hoàn thành được việc nạo vét và đủ khả năng đón tàu cỡ lớn, áp lực cạnh tranh sẽ quay trở lại với VSC chủ yếu sở hữu các cảng trung nguồn.
Khuyến nghị đầu tư
Dựa trên một số giả định trọng yếu như:
1) Hai cảng Green Port và VIP Green Port hoạt động ở mức tối ưu công suất thiết kế trong năm 2022;
2) Khu Depot Quảng Bình – Đình Vũ đi vào hoạt động với tỷ suất lợi nhuận trên tài sản tương đương với khu Depot GIC hiện tại của VSC trong 6 tháng cuối năm 2022;
Chúng tôi dự phóng LNST hợp nhất năm 2022 của VSC là 556 tỷ đồng và mức định giá hợp lý của VSC ước tính là 56.900 đồng/cp với mức tăng giá 35% so với giá hiện tại tương ứng mức P/E forward 9.2x khá hấp dẫn. Chúng tôi đánh giá triển vọng của VSC là MUA do:
1) Định hướng đầu tư tập trung vào ngành Logistics Hàng hải và hoàn thiện chuỗi giá trị dịch vụ giúp Công ty có được năng lực cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành;
2) Cơ cấu tài chính lành mạnh với lượng tiền dồi dào chiếm đến 36% tổng tài sản giúp doanh nghiệp chủ động trong nguồn vốn kinh doanh, đầu tư;
3) Tập trung hoạt động tại khu vực Hải Phòng – vùng kinh tế trọng điểm rất thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và KCN, là động lực phát triển chung cho toàn bộ cảng biển khu vực Hải Phòng và Viconship.