CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC): Lợi nhuận Q4 ảm đạm do các dự án đầu tư mới

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q4 ảm đạm do các dự án đầu tư mới

 

VSC

 

Tóm tắt

  • KQKD Q4/2022 gây thất vọng với lợi nhuận thuần giảm 42% xuống 53 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng 3% đạt 520 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần và doanh thu thuần Q4/2022 thấp hơn lần lượt 36% và 3% so với dự báo của chúng tôi.
  • Theo đó, lợi nhuận thuần cả năm 2022 giảm 10% xuống 314 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng trưởng 6% đạt 2.008 tỷ đồng do tỷ suất lợi nhuận giảm và ghi nhận lỗ từ dự án đầu tư mới.
  • Lượng tiền mặt của VSC giảm mạnh trong Q4/2022 và Công ty bắt đầu sử dụng nợ vay để thực hiện các khoản đầu tư mới. Chúng tôi đang xem xét lại dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

Lợi nhuận thuần Q4/2022 của VSC giảm 42% so với cùng kỳ xuống 53 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ đạt 520 tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo của chúng tôi.

Trong năm 2022, lợi nhuận thuần giảm 10% so với cùng kỳ xuống 314 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng 6% so với cùng kỳ đạt 2.008 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần và doanh thu thuần cả năm 2022 thấp hơn lần lượt 9% và 1% so với dự báo của chúng tôi do KQKD Q4/2022 kém tích cực. Nguyên nhân chính khiến KQKD gây thất vọng là do hai dự án đầu tư vào cảng và cảng cạn (ICD) tại khu vực Hải Phòng. Các dự án này ghi nhận lỗ trong năm 2022 do hiệu suất hoạt động thấp và mức độ cạnh tranh cao tại khu vực Hải Phòng.

Lợi nhuận Q4 gây thất vọng do các dự án đầu tư mới

Những điểm đáng lưu ý trong Q4/2022:

  • Doanh thu thuần Q4/2022 tăng 3% so với cùng kỳ đạt 519 tỷ đồng. VSC không công bố cơ cấu sản lượng hàng hóa qua cảng. Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, chúng tôi ước tính sản lượng hàng hóa qua cảng của VSC đi ngang so với cùng kỳ ở mức 250.883 TEU. Doanh thu thuần tăng nhẹ chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu các mảng khác thay vì mảng cảng biển.
  • Tỷ suất lợi nhuận thu hẹp và chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh. Lợi nhuận gộp Q4/2022 giảm 7% so với cùng kỳ xuống 152 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 29,3% so với 32,4% trong Q4/2021. Ngoài ra, chi phí bán hàng & quản lý tăng 80% so với cùng kỳ lên 53 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên 10,2% so với 5,8% trong Q4/2021.
  • Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tỷ suất lợi nhuận giảm và chi phí tăng chủ yếu do khoản đầu tư mới vào dự án Green ICD (VSC sở hữu 98,63% cổ phần), sau khi VSC mua cảng cạn này trong Q3/2022, khiến chi phí hoạt động tăng mạnh trong khi doanh thu đóng góp từ cảng ICD này trong Q4/2022 là không đáng kể. Khi cảng cạn này ghi nhận lỗ, tỷ suất lợi nhuận gộp của VSC giảm và chi phí bán hàng & quản lý tăng.
  • Lỗ từ các công ty liên doanh & liên kết. Bên cạnh khoản đầu tư vào Green ICD, VSC cũng đã mua 36% cổ phần của một cảng mới là Vinalines Đình Vũ từ năm 2021. Hiệu suất hoạt động của cảng ở mức thấp do cạnh tranh cao tại khu vực Hải Phòng và cảng này cũng ghi nhận lỗ trong năm 2022. Theo đó, lỗ từ các công ty liên doanh & liên kết là 10,6 tỷ đồng trong Q4/2022 so với lãi 2 tỷ đồng trong Q4/2021.

Các dự án đầu tư mới khiến lợi nhuận Q4/2022 giảm mạnh dù doanh thu của VSC vẫn tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận thuần Q4/2022 của VSC là 53 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ), thấp hơn 36% so với dự báo của chúng tôi.

Tiền mặt giảm và dư nợ tăng

Tổng giá trị tiền mặt và đầu tư ngắn hạn của VSC giảm xuống 599 tỷ đồng vào cuối Q4/2022 so với 1.112 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, mặc dù VSC không có dư nợ tại thời điểm cuối Q3/2022, nhưng Công ty đã vay 908 tỷ đồng trong Q4/2022, bao gồm 208 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn và 700 tỷ đồng dư nợ dài hạn.

Lượng tiền mặt giảm, và tăng vay nợ chủ yếu do (1) các khoản phải thu tăng mạnh lên 364 tỷ đồng so với 19 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2021, (2) chi trả cổ tức bằng tiền mặt 164 tỷ đồng và (3) vay nợ để tài trợ cho các khoản đầu tư của Công ty.

Bên cạnh 2 khoản đầu tư vào dự án Green ICD và Vinalines Đình Vũ như đã đề cập ở trên, VSC dự kiến sẽ mua 75% cổ phần một cảng tại khu vực Hải Phòng. Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng và VSC có thể sẽ đầu tư trong nửa đầu năm 2023. VSC đã đặt cọc khoảng 800 tỷ đồng cho cảng này trong Q4/2022.

Theo nguồn tin của chúng tôi, cảng mục tiêu của Công ty là cảng Nam Hải Đình Vũ (NHĐV). Gemadept (GMD, Tăng tỷ trọng) hiện đang nắm giữ 85% cổ phần tại cảng này và đang có kế hoạch thoái vốn trong năm nay.

Cảng NHĐV nằm cạnh cảng Vip Green của VSC. Thương vụ đầu tư vào cảng NHĐV sẽ giúp VSC gia tăng công suất và duy trì tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VSC sẽ phải tìm kiếm khách hàng mới để lấp đầy cảng NHĐV do GMD sẽ chuyển khách hàng từ cảng NHĐV sang cảng khác của công ty này tại khu vực Hải Phòng. Do đó, VSC có thể sẽ ghi nhận lỗ cho khoản đầu tư vào cảng NHĐV trong năm 2023 do hiệu suất hoạt động thấp (khoảng 20-30% theo BLĐ chia sẻ) và chi phí lãi vay cao do phải vay nợ để tài trợ cho việc mua lại cảng.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Hiện tại, 2 cảng của VSC đang hoạt động gần tối đa công suất và cần mở rộng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng thương vụ đầu tư vào cảng NHĐV là tích cực đối với triển vọng dài hạn, nhưng lợi nhuận ngắn hạn sẽ chịu tác động mạnh. Theo đó, chúng tôi nhận thấy doanh thu thực tế trong năm 2023 có thể sẽ cao hơn so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 2.278 tỷ đồng (tăng trưởng 12,6%) nhưng lợi nhuận thuần trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với dự báo của chúng tôi hiện là 361 tỷ đồng (tăng trưởng 15%). Chúng tôi hiện đang xem xét lại dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu.

HSC hiện khuyến nghị Bán ra với giá mục tiêu là 26.500đ, thấp hơn 12,5% so với thị giá.