CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Tham quan nhà máy; Triển vọng mạnh mẽ cho năm 2024-2025

                                                                                          Nguồn: HSC

Tham quan nhà máy: Triển vọng mạnh mẽ cho năm 2024-2025

 

 

  • HPG kỳ vọng mảng thép xây dựng chủ chốt sẽ tăng trưởng 10-20% trong năm nay nhờ việc tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư công ở thị trường trong nước cùng với kỳ vọng thị trường BĐS ấm lên (dự kiến bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 trở đi).
  • Tiến độ xây dựng phân kỳ 1 của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát (DQSC) Giai đoạn 2 – bổ sung 2,8 triệu tấn thép HRC/năm – dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024 và thời điểm vận hành thương mại dự kiến bắt đầu từ Q1/2025. Nhờ công nghệ tiên tiến hơn cùng với quy mô thể tích lò cao tăng lên, chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm HRC của Giai đoạn 2 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với Giai đoạn 1.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 37.800đ (tiềm năng tăng giá 24%). HSC duy trì dự báo lợi nhuận thuần năm 2024 tăng trưởng 79,4% đạt 12,3 nghìn tỷ đồng.
 
Sự kiện: Tham quan Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát (DQSC)
 
HPG đang tổ chức các chuyến tham quan Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát (DQSC) trong 3 ngày tuần này và thu hút hơn 600 nhà đầu tư tham dự. Chương trình tham quan nhà máy đang diễn ra là sự kiện lớn nhất từ trước tới nay của HPG. HSC phân tích một số thông tin chính sau chuyến tham quan nhà máy như sau.
 
Nhu cầu thép tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều đang hồi phục
 
Công ty hiện đang vận hành toàn bộ lò cao gần đạt công suất tối đa (công suất hoạt động dao động 94-99%) nhờ cả nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ và sự hồi phục ở thị trường trong nước. Thông tin chi tiết như sau:
  • HRC: Doanh thu xuất khẩu hiện đóng góp khoảng 50-60% doanh thu hàng tháng với những thị trường xuất khẩu chính bao gồm: EU, Mexico, các quốc gia ASEAN. Thời gian tới, HPG có kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Phi và Mỹ để tránh nguy cơ tiềm ẩn bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tại thị trường xuất khẩu hiện tại.
  • Thép xây dựng: Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực chính đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. BLĐ kỳ vọng nhu cầu từ phân khúc này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới, trọng điểm vẫn là các dự án xây dựng cầu, đường hầm và sân bay. Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường BĐS đang dần ấm lên và dự kiến sẽ có những bước hồi phục đáng kể hơn từ 6 tháng cuối năm 2024 trở đi.
 

Chúng tôi lưu ý rằng công suất hoạt động bình quân của toàn bộ nhà máy của HPG trong năm 2023 đạt 78,9%. Trong năm 2024, Công ty đặt kế hoạch vận hành tất cả các nhà máy với công suất hoạt động bình quân 90%, tương đương sản lượng thép thô tăng trưởng 14,1%. Trong mô hình dự báo hiện tại, HSC dự báo tổng sản lượng thép thô trong năm 2024 đạt 7,9 triệu tấn, tương đương tăng trưởng 16,9% so với năm 2023.
 
Tiến độ xây dựng phân kỳ 1 Giai đoạn 2 của Khu tổ hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024
 
Tổng công suất thiết kế của Giai đoạn 2 tổ hợp DQSC là 5,6 triệu tấn sản phẩm HRC mỗi năm với 2 lò cao có công suất lớn gấp đôi so với giai đoạn 1. Với quy mô công suất của GĐ2 tăng gần gấp đôi so với GĐ1, HPG tin rằng chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống nhờ (1) tính quy mô kinh tế tăng lên, (2) mức tiêu thụ năng lượng và lao động trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm xuống và (3) chất lượng sản phẩm tốt hơn và ổn định hơn.
 
Đối với nguồn vốn cho Giai đoạn 2, Công ty đang sử dụng kết hợp 50% vốn CSH và 50% vốn vay ngân hàng. Công ty đặt kế hoạch hoàn thành việc xây dựng phân kỳ 1 Giai đoạn 2 tổ hợp DSQC vào cuối năm 2024; sau đó bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ cuối năm 2024 và dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ Q1/2025. Trong phân kỳ 1 của Giai đoạn 2, HPG đặt kế hoạch tăng thêm 2,8 triệu tấn HRC/năm, từ đó nâng tổng công suất thiết kế thép thô lên 11,7 triệu tấn/năm, tăng trưởng 31,5% so với năm 2024. Chi phí khấu hao sẽ được ghi nhận dần tương ứng với quá trình nghiệm thu của dự án.
 
Phân kỳ 2 Giai đoạn 2 của tổ hợp DQSC dự kiến sẽ vận hành thương mại từ năm 2026, từ đó giúp tăng thêm 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm và nâng tổng công suất thiết kế thép thô của HPG lên 14,5 triệu tấn/năm. Sau khi Giai đoạn 2 đạt tối đa công suất, doanh thu của HPG dự kiến sẽ tăng thêm 80-100 nghìn tỷ đồng/năm (so với kế hoạch doanh thu thuần năm 2024 ở mức 140 nghìn tỷ đồng).
 
Tập trung nhiều hơn vào ESG
 
Do EU là thị trường xuất khẩu chính cho các sản phẩm HRC và tôn mạ của Công ty, HPG đang tập trung hơn vào giảm thiểu lượng khí thải carbon để đáp ứng các tiêu chuẩn tại thị trường này. Kể từ Q1/2024, HPG đã hoàn thành báo cáo về khí thải carbon của tổ hợp DQSC & các nhà máy sản xuất tôn mạ để cung cấp cho khách hàng tại thị trường EU.
 
Công ty có lộ trình giảm lượng khí thải carbon như sau: (1) giảm lượng than tiêu thụ; (2) nâng cao tỷ lệ sử dụng thép phế trong công thức pha trộn nguyên liệu và (3) triển khai các công nghệ mới nếu có/tại nơi có thể. Đối với giải pháp thứ 3, HPG cho biết công ty đang nghiên cứu một giải pháp mới tiềm năng để xử lý khí thải carbon, được gọi là thu hồi & lưu trữ carbon (CCS), bao gồm việc phối trộn CO2 với nước rồi bơm vào bể chứa sâu dưới lòng đất hoặc ngoài khơi địa dương. Tuy nhiên, để thực hiện được, phương án này cần một lộ trình để thay đổi luật môi trường, luật biển của Việt Nam để phù hợp. Do đó, Công ty cho rằng có thể sẽ cần thêm thời gian đối với giải pháp này. HPG cũng đang chuẩn bị báo cáo ESG, dự kiến phát hành vào cuối năm 2024.
 
HPG đề xuất áp dụng thuế CBPG đối với HRC nhập khẩu
 
Như chúng tôi có đề cập trước đây, HPG & Formosa (một công ty thép FDI của Đài Loan) đã gửi đề xuất lên Bộ Công Thương xem xét và áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc & Ấn Độ.
 
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dựa trên tình trạng thuế hiện nay (0% thuế nhập khẩu), sản lượng tiêu thụ HRC trong nước của HPG & Formosa đã chịu tác động tiêu cực trong 2 năm qua với tổng sản lượng tiêu thụ giảm lần lượt 16,3% và 30,4% trong năm 2022-2023. Ngoài ra, các khoản lỗ cũng đã được ghi nhậntrong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 1,89 triệu tấn HRC, trong đó có 1,4 triệu tấn đến từ Trung Quốc.
 
Trong khi đó, giá HRC từ Trung Quốc giảm mạnh từ 618 USD/tấn trong Q1/2023 xuống chỉ còn 520-560 USD/tấn hiện tại. Thông thường, sau khi nhận được đề xuất, Bộ Công Thương sẽ đánh giá về sự cần thiết của việc điều tra. Khi bắt đầu thực hiện điều tra, quá trình này sẽ kéo dài khoảng 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, nếu có thể, thời điểm sớm nhất để áp dụng thuế CBPG là kể từ Q2/2025.
 
Theo chúng tôi, Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt HRC; Nhu cầu ‘bình thường’ dao động từ 10-13 triệu tấn/năm và lớn hơn tổng công suất thiết kế HRC của HPG & Formosa vào khoảng 8,5 triệu tấn/năm. HSC kỳ vọng sau khi Giai đoạn 2 tổ hợp DQSC đi vào hoạt động, công suất thiết kế HRC của Việt Nam sẽ tăng lên 14,1 triệu tấn (kể từ năm 2026). Chúng tôi cho rằng thời điểm hợp lý hơn để áp dụng thuế CBPG là từ cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
 
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
 
Giá cổ phiếu HPG có diễn biến tích cực với mức tăng 10% trong 3 tháng qua và 50% trong 1 năm qua. Tuy nhiên, HSC vẫn duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu giữ nguyên ở mức 37.800đ (tiềm năng tăng giá 24%). Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận thuần năm 2024 đạt 12,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 79%) với doanh thu thuần tăng trưởng 20% và tỷ suất lợi nhuận gộp hợp nhất tăng 3,1 điểm phần trăm (nhờ cơ cấu doanh thu hiệu quả hơn) lên 14% trong năm 2024 từ 10,9% trong năm 2023.