CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC): KQKD mảng BĐS vượt dự báo, các mảng khác sát dự báo

Nguồn: HSC

KQKD mảng BĐS vượt dự báo, các mảng khác sát dự báo

 

VIC

 

Tóm tắt

  • Lợi nhuận thuần Q2/2023 của VIC đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ) và doanh thu đạt 47,1 nghìn tỷ đồng (tăng 252% so với cùng kỳ). Lợi nhuận thuần và doanh thu 6 tháng lần lượt đạt 123,5% và 47,3% dự báo của HSC cho cả năm 2023; và đạt 146,6% và 45.3% kế hoạch của Công ty.
  • KQKD khả quan hơn kỳ vọng nhờ số sản phẩm BĐS bàn giao cao hơn dự báo và lợi nhuận từ bán các tài sản BĐS nghỉ dưỡng. Các mảng khác sát dự báo với các mảng kinh doanh chủ chốt đều có sự cải thiện.
  • HSC đang xem xét lại dự báo. Hiện tỷ lệ giá trị riêng lẻ của VIC không bao gồm lợi ích tại VHM và VRE trên tổng vốn hóa thị trường đang thấp hơn 2,1 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 5/2018.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2023 và tổ chức hội nghị chuyên viên phân tích

VIC đã công bố BCTC Q2/2023 với lợi nhuận thuần đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ) và doanh thu đạt 47,1 nghìn tỷ đồng (tăng 252% so với cùng kỳ). Kết quả thực hiện khả quan hơn dự báo của HSC, chủ yếu nhờ kết quả mảng BĐS vượt dự báo. Kết quả HĐKD sau khi điều chỉnh loại lợi nhuận từ bán tài sản và các khoản mục không thường xuyên khác) ghi nhận lỗ 571 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ cùng kỳ nhờ hầu hết các mảng kinh danh chủ chốt có sự cải thiện.

Lợi nhuận thuần và doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm 49,9% so với cùng kỳ) và 86,1 nghìn tỷ đồng (tăng 172,4% so với cùng kỳ), lần lượt đạt 123,5% và 47,3% dự báo của HSC cho cả năm 2023; đồng thời lần lượt đạt 146,6% và 45,3% kế hoạch của Công ty.

KQKD của Vinhomes vượt dự báo; các mảng khác sát kỳ vọng

Doanh thu thuần Q2/2023 tăng mạnh 3,4 lần so với cùng kỳ đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, vượt dự báo của HSC chủ yếu nhờ số sản phẩm bàn giao tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 cao hơn ước tính của chúng tôi. KQKD từng mảng được trình bày như dưới đây:

Mảng BĐS nhà ở: Doanh thu từ mảng BĐS nhà ở đạt 30,3 nghìn tỷ đồng (tăng mạnh 12,7% so với cùng kỳ, tăng 5,3% so với quý trước và cao hơn dự báo), đóng góp 64,4% tổng doanh thu của VIC trong kỳ. Doanh thu mảng BĐS nhà ở chủ yếu từ bàn giao sản phẩm thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.

Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 42,2%; cao hơn mức năm 25,4% trong Q1/2023 nhưng thấp hơn mức 53,4% trong Q4/2022. Tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp vì bao gồm cả sản phẩm tự triển khai (có tỷ suất lợi nhuận cao hơn) và sản phẩm hợp tác kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận với bên thứ 3 nhằm có dòng tiền sớm (có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn). Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo Báo cáo nhanh về KQKD Q2/2023 của VHM phát hành ngày 30/7.

Mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ: Doanh thu từ cho thuê mặt bằng bán lẻ đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 2,7% so với quý trước, đóng góp 4,5% vào tổng doanh thu của Vingroup. Kết quả thực hiện sát dự báo. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 57,1%; thấp hơn một chút so với Q1/2023 nhưng vẫn cao hơn đáng kể mức 54,1% trong Q2/2022 nhờ tỷ lệ lấp đầy tăng, giá cho thuê hồi phục và VRE thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí.

Mảng BĐS nghỉ dưỡng: Doanh thu BĐS nghỉ dưỡng Q2/2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ và tăng 13,7% so với quý trước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng nhờ du lịch nội địa hồi phục mạnh sau dịch Covid-19 và lượng khu khách quốc tế hồi phục dần. Tổng số đêm phòng bán được đạt 362.000 đêm, tăng 26% so với cùng kỳ và tăng 23% so với quý trước. Mảng này đang ghi nhận lỗ HĐ 1,38 nghìn tỷ đồng, cao hơn 33,2% so với mức lỗ cùng kỳ và cao hơn 5% so với quý trước; nhưng nói chung sát dự báo. HĐKD của Vinpearl đã hồi phục đáng kể sau dịch. Do yếu tố mùa vụ, doanh thu Q2/2023 chủ yếu từ các đơn vị tổ chức tua và đại lý du lịch với tỷ suất lợi nhuận thấp, từ đó làm tăng lỗ cho Vinpearl (so với 6 tháng đầu năm 2022 khi khách hàng cá nhân (có tỷ suất lợi nhuận cao hơn) đóng góp tỷ trọng lớn). Tuy nhiên, HSC tin rằng lỗ tại Vinpearl sẽ giảm dần nhờ doanh thu tiếp tục hồi phục (tỷ trọng chi phí cố định như chi phí khấu hao khá cao). Chúng tôi dự báo Vinpearl sẽ đạt điểm hòa vốn EBITDA trong năm 2024.

Mảng sản xuất: Mảng sản xuất (sản xuất ô tô VinFast) công bố doanh thu đạt 8 nghìn tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ nhờ lượng xe bàn giao tăng mạnh trong kỳ, đóng góp 17% vào tổng doanh thu của Vingroup. Công ty đã bàn giao 11.300 xe ô tô điện trong kỳ, chủ yếu tại thị trường nội địa và 20.000 xe máy điện. Mảng này ghi nhận lỗ HĐ là 6,9 nghìn tỷ đồng – nói chung sát ước tính của HSC.

Doanh thu HĐ tài chính cao hơn dự báo

Doanh thu HĐ tài chính Q2/2023 đạt 4,17 nghìn tỷ đồng, giảm 59,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty ghi nhận 3,1 nghìn tỷ đồng từ bán Vinpearl Landmark 81 và Vinpearl Thanh Hóa cho một đối tác trong nước. Giá trị thương vụ không được công bố. HSC trước đó không đưa thương vụ này vào dự báo. Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận không thường xuyên này, HĐKD cốt lõi vẫn cao hơn một chút so với ước tính của chúng tôi nhờ kết quả mảng BĐS khả quan hơn dự báo.

Tỷ lệ vay nợ vẫn cao nhưng thị trường vốn đã cải thiện

Tại thời điểm cuối Q2/2023, tổng nợ của VIC không thay đổi nhiều, ở mức 152,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH là 1,13 lần; tương đương quý trước và vẫn ở mức cao. Chi phí nợ bình quân đã giảm nhẹ xuống còn 10,1% từ 10,2% nhờ mặt bằng lãi suất trong nước giảm. HSC thấy rằng 1 tỷ USD tiền viện trợ cho VinFast của ông Phạm Nhật Vượng chưa được giải ngân cho công ty. Tuy nhiên các bên kỳ vọng việc giải ngân sẽ được thực hiện trong 18 tháng tới.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đã huy động khoảng 39 nghìn tỷ đồng vốn, trong đó phần lớn được sử dụng để tái cơ cấu nợ. Nhờ thị trường vốn cả trong nước và quốc tế có dấu hiệu hồi phục, chúng tôi đã giảm bớt một chút lo ngại về gánh nặng nợ vay của VIC.

HSC đang xem xét lại dự báo

HSC đang xem xét lại dự báo cho VIC. Hiện tỷ lệ giá trị riêng lẻ của VIC không bao gồm lợi ích từ các công ty con chủ chốt như VHM và VRE trên tổng vốn hóa thị trường đang thấp hơn 2,1 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 5/2018.