CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Cập nhật KQKD quý 3/2022 – Hưởng lợi từ chu kì tăng của ngành

Nguồn: SSI

Cập nhật KQKD quý 3/2022 – Hưởng lợi từ chu kì tăng của ngành

 

PVT

 

KQKD quý 3/2022

Trong quý 3 năm 2022, doanh thu của PVT tăng trưởng ấn tượng 38,7% so với cùng kỳ lên 2,33 nghìn tỷ đồng trong khi LNTT tăng trưởng ấn tượng hơn với mức 143% so với cùng kỳ, đạt 481 tỷ đồng, bao gồm khoản lãi một lần từ thanh lý tàu PVT Athena là 211 tỷ đồng. Điều này khá phù hợp với dự báo của chúng tôi. Với kết quả đạt được, PVT đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 chỉ trong 3 quý đầu năm 2022.

Nhìn theo từng mảng hoạt động, vận tải biển vẫn là động lực tăng trưởng chính, với lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi, trong khi lợi nhuận gộp mảng FSO/FPSO giảm 15% so với cùng kỳ. Tăng trưởng mảng vận tải được kỳ vọng tích cực, do xu hướng tăng gần đây của thị trường tàu chở dầu toàn cầu, dẫn đến giá thuê tàu cao hơn trên tất cả các loại tàu vận chuyển (dầu thô, dầu/hóa chất, LPG và các loại khác). Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, tăng 47% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,8% trong quý 3 (cải thiện 1 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng giảm hơn 1 điểm phần trăm so với quý 2/2022). Việc tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do tỷ suất lợi nhuận mảng vận tải giảm trong quý này, điều này có thể do chi phí nhiên liệu cao hơn và khấu hao từ các tàu mới đầu tư.

Dư nợ bằng USD của PVT ở mức gần 90 triệu USD, chủ yếu là các khoản vay dài hạn để đầu tư tàu, với lãi suất một năm dựa trên LIBOR kì hạn 3~6 tháng cộng biên độ 2,5~5%. Điều này có nghĩa là trong bối cảnh hiện tại, PVT dễ chịu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Cụ thể, trong quý 3/2022, công ty lỗ tỷ giá 23 tỷ đồng, và chi phí lãi vay cũng tăng 40% theo quý.

Trong quý, PVT đã bán thành công tàu chở dầu thô PVT Athena theo như kế hoạch, khi con tàu này đã hết khấu hao. Lợi nhuận từ thanh lý tài sản đạt 211 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này và khoản lỗ tỷ giá, PVT đạt LNTT quý 3 là 293 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với LNTT quý 2/2022 là 314 tỷ đồng.

Luận điểm đầu tư

Cho đến nay, kết quả kinh doanh của công ty vẫn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Công ty được hưởng lợi từ giá cước thuê tàu cao hơn trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường nội địa ổn định. Sau buổi trao đổi với công ty, chúng tôi kỳ vọng điều kiện thuận lợi này cho các chủ sở hữu tàu chở dầu sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tới, vì chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào từ xung đột Nga-Ukraine trong ngắn hạn và thị trường tàu chở dầu vẫn đang trong xu hướng tăng. Có thể KQKD của công ty sẽ chịu một số tác động từ lỗ tỷ giá trong quý 4 năm 2022, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn từ điều kiện tốt hơn trong thị trường thuê tàu. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo cho PVT như trong báo cáo trước, đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 26.200 đồng/cổ phiếu) dựa trên P/E mục tiêu thấp hơn là 10 lần (từ 11 lần) để phản ánh việc hạ xếp hạng thị trường chung. Chúng tôi duy trì đánh giá KHẢ QUAN đối với cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng giá và triển vọng tích cực năm 2023.

Trong 3-6 tháng tới, chúng tôi nhận thấy lợi nhuận cốt lõi của quý 4/2022 sẽ cải thiện hơn nữa khi nhiều hợp đồng thuê tàu được gia hạn với mức giá cao hơn, đây sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thanh lý 2 tàu (PVT Eagle, PVT Dragon) sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cho PVT trong các quý sắp tới, và đây cũng sẽ là một chất xúc tác khác cần theo dõi.