CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Triển vọng giá cước và nhu cầu vận chuyển cao hơn

Nguồn: VCSC

Triển vọng giá cước và nhu cầu vận chuyển cao hơn

 

PVT

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vào ngày 30/06/2022, thảo luận về KQKD 6 tháng đầu năm 2022 sơ bộ, giá cước vận chuyển, triển vọng nhu cầu vận tải và mở rộng công suất.
  • Ban lãnh đạo nhận thấy nhiều cơ hội mở rộng công suất trong các năm 2022 và 2023, tuy nhiên, PVT sẽ theo sát tình hình lãi suất và thị trường vận tải khi quyết định đầu tư. Một điều đáng lưu ý là giá trị đầu tư tàu chở dầu hiện chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh vào năm 2007 (trước khủng hoảng vận tải biển trong giai đoạn 2008-2009).
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 với doanh thu đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (-11,8% YoY) và LNST đạt 480 tỷ đồng (-42,7% YoY), chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá thận trọng. Chúng tôi lưu ý rằng con số lợi nhuận thực tế của PVT cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trong 5 năm qua.
  • PVT đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2022 sơ bộ với doanh thu đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (+13,5% YoY) và LNTT đạt 500 tỷ đồng (-12,0% YoY). LNTT 6 tháng đầu năm 2022 hoàn thành 40% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng do công ty thận trọng trong việc ước tính lợi nhuận sơ bộ.
  • Cổ đông đã thông qua mức cổ tức cổ phiếu cho năm 2021 là 10% do PVT dự kiến đầu tư 8-10 tàu trong tổng số 23 tàu mới trong kế hoạch năm 2022. PVT dự kiến tiếp tục trả cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP cho năm 2022, phù hợp với dự báo của chúng tôi. Về dài hạn, khi PVT mở rộng quy mô kinh doanh, ban lãnh đạo đặt mục tiêu chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000-1.500 đồng/CP. PVT cũng đặt mục tiêu tăng vốn trong dài hạn để hỗ trợ mở rộng đội tàu.
  • PVT dự kiến sẽ thanh lý tàu chở dầu thô Athena vào quý 3 hoặc đầu quý 4/2022. Chúng tôi hiện dự báo lợi nhuận 100 tỷ đồng từ thanh lý tàu này trong năm 2022 (chiếm khoảng 12% lợi nhuận ròng của PVT vào năm 2022).

Cổ đông thông qua kế hoạch thận trọng cho năm 2022. PVT đã công bố kế hoạch năm 2022 với doanh thu 6,5 nghìn tỷ đồng (-11,8% YoY) và LNST là 480 tỷ đồng (-42,7% YoY). Các kế hoạch trong năm 2022 cao hơn 8,3% và 18,8% so với con số kế hoạch năm 2021, cho thấy ban lãnh đạo kỳ vọng về triển vọng phục hồi trong năm 2022. Trong khi đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng dự kiến trong năm 2022 của PVT đạt 78,4% và 46,8% dự báo tương ứng cả năm của chúng tôi, mà chúng tôi cho rằng là do công ty thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch. Chúng tôi lưu ý rằng con số lợi nhuận ròng thực tế của PVT luôn cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trong 5 năm qua.

PVT nhận thấy triển vọng nhu cầu vận tải quốc tế cao hơn nhờ khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới không tăng, xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong các tuyến đường vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm, hóa chất, LPG và than, từ đó thúc đẩy nhu cầu luân chuyển hàng hóa do khoảng cách vận chuyển dài hơn.

Mức tăng giá cước của tàu chở dầu quốc tế hiện tại sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023 của PVT. Giá cước vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm và hóa chất đã tăng mạnh kể từ tháng 03/2022. Hiện tại, 80% đội tàu chở dầu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế, chiếm 60% tổng doanh thu của PVT. Hầu hết các hợp đồng quốc tế của PVT là hợp đồng thuê chuyến, trong khi một số hợp đồng khác theo phương thức hợp đồng giao ngay được hưởng lợi từ việc tăng giá cước của tàu chở dầu. Tuy nhiên, do giá cước thuê chuyến cũng đang có xu hướng tăng theo giá cước giao ngay, PVT kỳ vọng giá cước cao hơn sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của công ty trong các năm 2022 và 2023. Nhìn chung, công ty kỳ vọng giá cước sẽ cao hơn trong giai đoạn 2022-2023 so với năm 2021.

PVT đặt mục tiêu tích cực mở rộng công suất trong năm 2022, trong bối cảnh cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện lãi suất và thị trường. PVT đã đặt ra kế hoạch tích cực mở rộng công suất với việc đầu tư 6 tàu chở dầu cho công ty mẹ và 17 tàu chở dầu mới cho các công ty con. Chúng tôi lưu ý rằng PVT thường lên kế hoạch vốn XDCB đầy tham vọng vào đầu năm để nhận được sự chấp thuận của cổ đông trước và sau đó sẽ thực hiện kế hoạch khi điều kiện thị trường thuận lợi. Trong khi PVT chia sẻ rằng giá tàu chở dầu đã tăng lên kể từ năm 2021 và môi trường lãi suất tăng có thể là một thách thức, công ty vẫn nhìn thấy cơ hội trong mảng tàu chở hóa chất và than, và kỳ vọng có thể mua thành công từ 8 đến 10 tàu trong tổng số 23 tàu mới theo kế hoạch năm 2022.

Vận chuyển LNG là câu chuyện dài hạn. Theo PVT, việc Việt Nam nhập khẩu LNG ngày càng tăng cho thấy tiềm năng dài hạn cho PVT. Tuy nhiên, do giá trị đầu tư cho 1 tàu chở LNG khá cao (150-200 triệu USD cho tàu LNG đóng mới và 80-100 triệu USD cho tàu đã qua sử dụng 10 năm), PVT sẽ xem xét đầu tư theo hợp đồng thuê tàu trần có tùy chọn mua (thuê trước mua sau - thường sau 5 năm) khi nhu cầu vận chuyển LNG ở Việt Nam đủ cao.