Nguồn: SSI
Tăng trưởng ổn định trước những thách thức của nền kinh tế vĩ mô
Nhìn lại KQKD Q4/2022: Tăng trưởng giảm tốc do điều kiện vĩ mô suy yếu
Trong Q4/2022, PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 8,3 nghìn tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ) và 466 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ). Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận trong Q4/2022 giảm tốc đáng kể (so với 133% so với cùng kỳ trong 3 quý đầu năm 2022) do chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn, nhưng điều này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Tuy chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam suy yếu trong Q4/2022, doanh thu bán lẻ của PNJ đã cải thiện 24% so với cùng kỳ nhờ nỗ lực thúc đẩy doanh thu từ các khách hàng hiện tại, cũng như mở rộng tệp khách hàng. Trong quý, PNJ đã mở mới 12 cửa hàng vàng (33 cửa hàng trong năm 2022) và nâng cấp 12 cửa hàng cũ (31 cửa hàng trong năm 2022). Doanh thu bán buôn đi ngang, trong khi doanh thu vàng miếng tăng 9% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,2% trong Q4/2021 xuống còn 17,7% trong Q4/2022, mặc dù có tỷ trọng đóng góp cao hơn từ doanh thu bán lẻ vốn có biên lợi nhuận cao (65% trong Q4/2022 so với 61% trong Q4/2021). Điều này cho thấy biên lợi nhuận gộp của doanh thu bán lẻ bị thu hẹp, có thể là do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm đối sang các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp hơn. Khi công ty tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng sang các thành phố Cấp 3, tỷ trọng đóng góp của trang sức hàm lượng vàng cao tăng lên, do đó làm giảm biên lợi nhuận gộp.
Thu nhập tài chính ròng cải thiện từ mức -38 tỷ đồng lên âm -20 tỷ đồng do lãi tỷ giá và thu nhập lãi cao hơn nhờ dòng tiền ròng được cải thiện. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, PNJ đã giảm tỷ lệ D/E để đảm bảo thanh khoản (0,31x trong năm 2022 so với 0,45x trong năm 2021).
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 33,9 nghìn tỷ đồng (+73% so với cùng kỳ) và 1,8 nghìn tỷ đồng (+76% so với cùng kỳ), hoàn thành 131% và 137% kế hoạch hàng năm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mức tiêu thụ trang sức tại Việt Nam đạt 18,1 tấn (+51% so với cùng kỳ) trong năm 2022, cao hơn mức tiêu thụ trung bình 3 năm trước COVID là 17,3 tấn. Doanh thu bán lẻ tại PNJ tăng 80% so với cùng kỳ trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng nhu cầu trang sức (+51% so với cùng kỳ) tại Việt Nam và cho thấy thị phần gia tăng. Doanh thu bán buôn tăng 56% so với cùng kỳ trong năm 2022, cùng với sự phục hồi của nhu cầu trang sức. Trong khi đó, doanh thu vàng miếng tăng 75% so với cùng kỳ do xu hướng của người tiêu dùng lựa chọn tích trữ sản phẩm có giá trị trong bối cảnh lạm phát như hiện nay.
Triển vọng: Vị thế thanh khoản an toàn hỗ trợ tăng thị phần
Những thách thức vĩ mô có thể sẽ còn tiếp diễn ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho đồ trang sức có thể không giảm nhiều như các sản phẩm khác, vì việc mua hàng trang sức được coi là cách lưu trữ giá trị nhiều hơn. Ngoài ra, khách hàng của PNJ chủ yếu là người có thu nhập từ trung bình đến cao, do đó tác động của lạm phát đối với doanh thu trang sức có thể thấp hơn so với thị trường đại chúng vốn nhạy hơn về giá. PNJ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thêm thị phần, đặc biệt là ở các khu vực cấp 3, nơi mà sự hiện diện của thương mại hiện đại còn hạn chế. Chúng tôi dự báo PNJ sẽ mở thêm 20 cửa hàng mới trong giai đoạn 2023-2024. Cùng với việc liên tục nâng cấp cửa hàng và bổ sung thêm sản phẩm mới, điều này sẽ giúp doanh thu trang sức của PNJ đạt lần lượt là 28,4 nghìn tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ) và 32,7 nghìn tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ) vào năm 2023 và 2024. Doanh thu vàng miếng sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định 10% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024. Do đó, tổng doanh thu dự kiến lần lượt đạt 38,4 nghìn tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ) và 43,7 nghìn tỷ đồng (+14% so với cùng kỳ) cho năm 2023 và 2024.
Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp tổng thể sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2023-2024 xuống 17,2% (so với 17,5% trong năm 2022), khi công ty tiếp tục mở các cửa hàng mới tại các thành phố Cấp 3, nơi người tiêu dùng ưa thích trang sức có hàm lượng vàng cao với biên lợi nhuận thấp hơn.
Trong năm 2023 và 2024, lợi nhuận ròng dự báo lần lượt đạt 2,0 nghìn tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ, từ 2,09 nghìn tỷ đồng) và 2,3 nghìn tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ).
Về dài hạn, PNJ có thể phát triển theo hướng giành thị phần từ các nhà bán lẻ không có thương hiệu (hiện chiếm ~40% tổng thị trường), và chi tiêu cho trang sức có thể tiếp tục tăng cùng với thu nhập khả dụng.
KQKD tháng 1 tăng mạnh trong đó lợi nhuận ròng ghi nhận mức cao kỷ lục
Trong tháng 1/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (+19% so với cùng kỳ) và 302 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ), hoàn thành 11% và 15% dự báo cả năm của chúng tôi.
Do số ngày hoạt động ít hơn (các cửa hàng PNJ nghỉ Tết Nguyên đán trong 4 ngày), doanh thu bán lẻ giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu bán buôn giảm 33% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng 97% so với cùng kỳ, do Ngày Thần tài rơi vào tháng 1 năm nay, trong khi năm ngoái là vào tháng 2.
Mặc dù vàng miếng thường có biên lợi nhuận gộp ở mức một con số, nhưng biên lợi nhuận gộp tổng thể không giảm nhiều (18,5% trong tháng 1/2022 so với 18,2% trong tháng 1/2023) do biên lợi nhuận gộp mảng doanh thu bán lẻ cải thiện. Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp mảng doanh thu bán lẻ sẽ tăng 400 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sẽ giảm trong các tháng sau do cầu yếu và người tiêu dùng lựa chọn mua trang sức hàm lượng vàng cao trong bối cảnh lạm phát cao.