Nguồn: MBS
Tiếp tục đạt được sự tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ
Kết quả kinh doanh 2T2023
2 tháng đầu năm 2023 PNJ vẫn tiếp tục đạt được sự tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ: doanh thu thuần đạt 6.976 tỷ đồng (-1,3% YoY), giảm nhẹ so với nền cao cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 556 tỷ đồng (+6,4% YoY), tăng trưởng so với mức lợi nhuận cao năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp trung bình 2T2023 đạt 19,4% do có sự thay đổi về cơ cấu hàng hóa.
Luận điểm đầu tư
Hưởng lợi khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Đối tượng khách hàng chính của PNJ là tệp khách hàng trung và thượng lưu – nhóm đối tượng cảm nhận được sức nóng của lạm phát cuối cùng. Nhóm khách hàng này có xu hướng tăng lên khi kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng và đổi mới. Mức thu nhập cao hơn, mức lương cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm không thiết yếu – trong đó có mặt hàng trang sức. PNJ với thị phần lên đến gần 60% cùng với sức mạnh thương hiệu mạnh mẽ sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo, hơn 50% dân số của Việt Nam, tương đương khoảng 52 triệu người sẽ thuộc nhóm trung lưu vào năm 2045. Trong khi đó, World Data Lab dự báo Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, lên 56 triệu người từ con số 32,8 triệu người của 2020, và đứng thứ 18 toàn cầu. Việt Nam được dự báo là thuộc nhóm các nước có tăng trưởng về lượng người thuộc tầng lớp trung lưu mạnh nhất trong thập kỷ hiện tại.
McKinsey cho rằng tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người. Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp tiêu dùng, nhưng đến 2020 con số này đã tăng lên 40% và có thể đạt gần 75% vào 2023. Họ cho rằng sức tiêu thụ mới đang nổi lên mạnh mẽ không chỉ từ những người lần đầu gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn do thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung có xu hướng tăng vọt trong biểu đồ kim tự tháp thu nhập. Có thể thấy hai tầng cao nhất của lớp tiêu dùng là Tầng lớp tiêu dùng ổn định (30-70$/ngày) và Tầng lớp tiêu dùng cao (>70$/ngày) đang gia tăng với tốc độ rất nhanh và có thể chiếm tổng cộng 20% dân số Việt Nam vào năm 2030.
Tiếp tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần
Mảng bán lẻ Tại cuối tháng 2/2023, PNJ đã có tổng cộng 368 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành. Hệ thống PNJ có 368 cửa hàng độc lập bao gồm 347 CH PNJ Gold, 7 CH PNJ Silver (+293 SiS), 3 CH CAO Fine Jewellery (+12 SiS), 5 CH Style by PNJ (+32 SiS) và 3 CH PNJ Watch (+79 SiS) và 3 CH PNJ Art. Trong 2 tháng đầu năm, hệ thống PNJ đã mở mới 4 cửa hàng PNJ Gold.
Thị phần của PNJ liên tục tăng trưởng qua các năm. Trong giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ bị ảnh hưởng bởi Covid 19, nhất khi các đơn vị kinh doanh trang sức nhỏ lẻ phải đóng cửa, PNJ đã tận dung được vị thế là doanh nghiệp đi đầu, tìm ra những khe hở của thị trường để chiếm lĩnh và mở rộng thị phần.
Trong năm 2023, PNJ dự kiến sẽ mở từ 30 đến 35 cửa hàng trên kịch bản cơ sở, và nâng lên 40 cửa hàng nếu điều kiện thuận lợi. BLD công ty chia sẻ rằng việc mở rộng cửa hàng có mục tiêu cho sự tăng trưởng trong dài hạn chứ không phải chỉ trong một năm.
Tỷ trọng mảng bán lẻ tăng dần qua các năm trong cơ cấu doanh thu của PNJ và hiện chiếm 60%. Đây là mảng có biên lợi nhuận cao. Chúng tôi kỳ vọng việc mở rộng cửa hàng này sẽ giúp PNJ nâng cao thị phần và doanh thu trong thời gian sắp tới.
Dù đã chiếm thị phần lớn, mảng bán lẻ trang sức trung - cao cấp vẫn đang mở rộng về quy mô tiêu thụ bởi khách hàng ở phân khúc này vẫn đang tăng lên, chính vì vậy, PNJ không lo ngại về việc thị phần quá lớn thì không còn dư địa tăng trưởng khi sức mua và xu hướng đô thị hóa ngày càng gia tăng – những yếu tố thúc đẩy và tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Hiện nay, PNJ đang có một nhà máy Gò Vấp đang hoạt động với 1.500 nhân công, công suất 4 triệu sản phẩm mỗi năm. Trong năm 2023, nhà máy Long Hậu dự kiến sẽ đi vào hoạt động với công suất 2 triệu sản phẩm một năm. Với việc nâng cao công suất sản xuất, PNJ có cơ hội để tăng trưởng doanh thu cũng như cải thiện biên lợi nhuận với các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn.
Nhu cầu về vàng tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tiêu thụ vàng của Việt Nam trong Quý 4 2022 đạt 13,5 tấn, tăng 58% svck. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, cùng với nhu cầu trang sức.. Trong đó, nhu cầu vàng miếng đạt 9 tấn trong quý 4, tăng 48% so với mức 6,1 tấn cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng trang sức đạt 4,5 tấn, tăng hơn 80% so với mức 2,5 tấn cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng, tăng 37% svck.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn dẫn đầu khu vực về tăng trưởng nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt tỉ lệ 5,6% – cao nhất trong khu vực Đông Nam á.
Vàng luôn giữ vị thế là nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tràn lan và sự bất ổn địa chính trị. WGC cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đổi mới, tái cơ cấu, áp dụng chuyển đổi số, triển khai nhiều chương trình nhằm mở rộng tệp khách hàng
Hiện tại, song song với chiến lược mở rộng hệ sinh thái thương hiệu nhằm khai thác tập khách hàng mới, tiếp tục trẻ hóa thương hiệu, PNJ triển khai phân phối các sản phẩm thương hiệu quốc tế trên cùng hệ thống nhằm tận dụng không gian, tích hợp không gian trải nghiệm trên cùng một điểm bán, giúp khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất, đồng thời có được sự lựa chọn tối ưu phục vụ cho nhu cầu thể hiện cái tôi thẩm mỹ, cái tôi cá tính độc nhất.
Bên cạnh đó, trong 3 năm vừa qua, PNJ nỗ lực triển khai những hoạt động “Tái tạo tổ chức” F5 Refresh, tích cực chuyển đổi số. Để mở rộng gần 400 điểm bán như hiện nay, PNJ đã áp dụng công nghệ, không thể làm theo cách cũ là đào tạo từ tổng xuống phòng ban rồi xuống từng điểm bán, từng nhân viên…Từ đó, công ty có thể tăng khối lượng công việc và khả năng tương tác với nhân viên, qua đó giúp nhân viên khả năng ứng biến linh hoạt – đây chính là lợi thế cho PNJ trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Đây cũng chính là động lực đằng sau sự phát triển, giúp PNJ tăng trưởng gấp đôi so với thời điểm 2018 – thời điểm bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Định giá
Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và PNJ nói riêng. Lạm phát giá tiêu dùng tăng là rủi ro chính đối với chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2023 và nó đang làm xói mòn sức mua và dịch chuyển chi tiêu của người tiêu dùng. Giá cả cao gây áp lực lên ngân sách hộ gia đình và khiến phân bổ chi tiêu của hộ gia đình chuyển hướng khỏi các loại chi tiêu không thiết yếu ít quan trọng hơn (chẳng hạn như giải trí, nhà hàng, đồ xa xỉ) vào các danh mục chi tiêu thiết yếu hơn (thực phẩm và đồ uống không cồn,…).
Chúng tôi dự phóng doanh thu 2023 ở mức 36.720 tỷ đồng (+8,4% svck) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.062 tỷ đồng (+8,4% svck) dựa trên nền kết quả kinh doanh cao trong năm 2022 và tình hình vĩ mô không mấy tích cực cho ngành bán lẻ. Giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu là 91.200 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 19%) và chúng tôi khuyến nghị MUA tại mức giá 76.600 đồng/cp.