- tiNiWorld và tiNiStore gần đây đã thông báo đóng cửa 12 cửa hàng tại các trung tâm thương mại (TTTM) thuộc sở hữu của VRE. Theo VRE, 12 cửa hàng này chỉ chiếm 2% tổng diện tích sàn bán lẻ cho thuê của toàn bộ TTTM do VRE quản lý.
- Việc tiNiWorld và tiNiStore đóng cửa những cửa hàng này tác động không đáng kể đến VRE vì VRE đã tìm được khách thuê mới để lấp chỗ trống của các cửa hàng đã đóng đồng thời thu hồi một số tài sản của tiNiWorld để bù cho các khoản chi phi dự phòng.
- Theo dự báo hiện tại của chúng tôi, thị giá VRE hiện chiết khấu 44,4% so với ước tính RNAV, cao hơn chiết khấu bình quân 3 năm qua ở mức 34,7%. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VRE với giá mục tiêu theo phương pháp SoTP là 33.100đ.
Sự kiện: tiNiWorld và tiNiStore đóng các cửa hàng tại các TTTM thuộc sở hữu của VRE
tiNiWorld – chuỗi vui chơi giải trí dành cho trẻ em – thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng tiNiWorld và tiNiStore tại các TTTM của VRE từ ngày 5/2/2024. Chuỗi cửa hàng này sẽ đóng cửa 12 địa điểm, tương đương với 2% tổng diện tích sàn bán lẻ cho thuê của VRE (VRE hiện đang vận hành 83 TTTM với tổng diện tích sàn bán lẻ xây dựng là 1,7 triệu mét vuông trên toàn quốc). Năm 2020, tiNiWorld sở hữu 24 địa điểm vui chơi giải trí tại các TTTM của VRE, nhưng đã thu hẹp mạng lưới cửa hàng xuống còn 12 địa điểm tính đến cuối năm 2023.
Tác động đến VRE dự kiến không đáng kể
HSC nhận thấy việc tiNiWorld đóng cửa hàng sẽ ít tác động đến VRE. Công ty đã chủ động làm việc với tiNiWorld để giảm thiểu các tác động xấu bằng cách thông báo cho chuỗi này về việc vi phạm hợp đồng và xử lý một số tài sản của họ. Trong khi đó, Vuivuiland đã thay thế tiNiWorld tại các địa điểm này và bắt đầu hoạt động từ ngày 5/2/2024, từ đó giúp hạn chế tác động đến tỷ lệ lấp đầy. Dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi từ tiNiWorld ước tính khoảng 186 tỷ đồng (tương đương 4,4% tổng lợi nhuận thuần dự báo của VRE trong năm 2024). Tuy nhiên, thiệt hại này sẽ được bù đắp phần nào nhờ việc VRE thu hồi và xử lý tài sản của tiNiWorld tại các cửa hàng này.
BLĐ VRE cũng cho biết họ có chính sách quản lý rủi ro đối với những khách thuê đang gặp khó khăn. Theo đó, VRE sẽ chủ động theo dõi tình hình tài chính của các khách thuê, lên kế hoạch cải thiện cơ cấu khách thuê, và thay thế các khách thuê có kết quả hoạt động kém tích cực. Chính sách này sẽ giúp VRE giảm thiểu rủi ro liên quan đến nợ khó đòi và tác động dây chuyền từ việc các khách thuê lớn đóng cửa, vốn là một yếu tố tiêu cực đối với các TTTM.
Duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 33.100đ
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VRE với giá mục tiêu theo phương pháp SoTP là 33.100đ. Sau khi giá cổ phiếu tăng 15% trong 3 tháng qua, định giá VRE hiện đang rẻ, thị giá VRE hiện chiết khấu 44,4% so với ước tính RNAV, cao hơn chiết khấu bình quân 3 năm qua ở mức 34,7%. Cho năm 2024, HSC dự báo lợi nhuận thuần VRE đạt 4,2 nghìn tỷ đồng trên doanh thu 10 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở doanh thu mảng cho thuê khởi sắc từ hoạt động của 83 TTTM hiện có và việc khai trương Vincom Mega Mall Grand Park trong năm nay.