CTCP Vĩnh Hoàn (VHC): Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 khiêm tốn và kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm

Nguồn: HSC

Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 khiêm tốn và kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm

 

VHC

 

Tóm tắt

  • Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận thuần đạt 1 nghìn tỷ đồng (giảm 49,4%) và doanh thu thuần đạt 11,5 nghìn tỷ đồng (giảm 13%), chủ yếu vì nhu cầu thế giới yếu và biên lợi nhuận kém. Kế hoạch doanh thu thuần cao hơn 5,5% dự báo trong khi kế hoạch lợi nhuận thuần thấp hơn 17,7%.
  • VHC có kế hoạch đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Mảng thức ăn thủy sản được đặt mục tiêu đóng góp 10-20% vào lợi nhuận thuần năm 2023 trong khi mảng chế biến rau củ cũng sẽ có đóng góp.
  • HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu 65.700đ. Hiện VHC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 8,9 lần, cao hơn một chút so với bình quân từ tháng 1/2019 ở mức 8 lần.

Sự kiện: Ghi nhận tại ĐHCĐTN

VHC đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 12/5. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình.

Kế hoạch lợi nhuận thuần năm 2023 giảm 49,4%

Cho năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 11.500 tỷ đồng (giảm 13%) và lợi nhuận thuần đạt 1.000 tỷ đồng (giảm 49,4%). Kế hoạch doanh thu thuần cao hơn 5,5% so với dự báo của HSC nhưng kế hoạch lợi nhuận thuần thấp hơn 17,7%. Hiện chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 10.902 tỷ đồng (giảm 18%) và lợi nhuận thuần đạt 1.205 tỷ đồng (giảm 39%).

Kế hoạch tổng vốn đầu tư trong năm 2023 ở mức cao, khoảng 1.000 tỷ đồng, cao hơn 135% so với năm 2022. Các dự án đầu tư chính của Công ty gồm: (1) đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất gelatin và cải tạo nhà máy collagen và gelatin; (2) bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; (3) bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản Feedone; và (4) các khoản đầu tư khác như mở rộng vùng nuôi và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước,Thanh Bình, Vĩnh Hoàn, nhà máy bánh gạo Sa Giang.

Cổ đông đã thông qua mức chi trả cổ tức tiền mặt năm 2023 là 2.000đ/chi phí; tương đương tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức là 37% (dựa trên lợi nhuận kế hoạch cho năm 2023) và lợi suất cổ tức là 3,3%.

KQKD 6 tháng cuối năm 2023 sẽ cải thiện nhờ xuất khẩu

Theo ban lãnh đạo, tồn kho tại Mỹ và EU (được USDA theo dõi) đã giảm về mặt bằng bình thường. Tuy nhiên, nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản vẫn yếu vì kinh tế khó khăn và mặt bằng giá cả vẫn cao. Ngoài ra, năng lực lưu kho của các nhà nhập khẩu tại Mỹ hạn chế trong khi chi phí lưu kho lạnh cao. Vì vậy, các nhà nhập khẩu đang e dè trong việc nâng hàng tồn kho và chờ giá giảm tiếp.

Trong Q1/2023, các siêu thị tại EU và Mỹ đã đưa ra các loại chiết khấu cao đối với sản phẩm thủy sản để kích thích nhu cầu. Tuy nhiên, sẽ cần có thời gian để thu hút được người tiêu dùng trở lại với nhóm sản phẩm này. Tóm lại, ban lãnh đạo VHC kỳ vọng nhu cầu tại Mỹ và EU sẽ khôi phục từ cuối Q3/2023 đến Q4/2023.

Công ty kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc sẽ hồi phục trong Q4/2023. Trước thực trạng nhu cầu thế giới suy yếu, xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng đã chịu tác động tiêu cực trong Q1/2023. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã tập trung vào thị trường nội địa, từ đó làm giảm nhu cầu nhập khẩu vào đầu năm nay.

Nguồn cá tra nguyên liệu không phải là vấn đề đối với VHC

Ban lãnh đạo cho biết nguồn cá tra nguyên liệu trong năm 2023 sẽ giảm nhẹ do giá bán giảm trong khi chi phí nuôi neo ở mặt bằng cao (do giá thức ăn cao). Tuy nhiên, nhu cầu cũng giảm do triển vọng xuất khẩu kém. Tóm lại, nguồn cung cá tra nguyên liệu sẽ cân bằng với nhu cầu nên sẽ không phải là vấn đề lớn.

Hiện cá tra tự nuôi của VHC đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu đầu vào. Công ty sẽ duy trì tỷ lệ cá tra tự nuôi trong tổng nhu cầu nguyên liệu ở mức hiện tại để tạo ra sự linh hoạt về nguồn cá nguyên liệu – về cả size và giá cá. 

Đa dạng hóa danh mục sản phẩm thủy sản để tối đa hóa lợi nhuận

VHC tiếp tục phát triển sản phẩm mới như surimi và thanh cua làm từ cá tra. Những sản phẩm này sử dụng phụ phẩm từ chế biến cá tra fillet và giúp đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Những sản phẩm giá trị gia tăng này thường có giá bán ổn định hơn so với cá tra fillet nên sẽ hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận nói chung.

VHC cũng đang nghiên cứu các sản phẩm khác như cá hồi fillet và các sản phẩm hải sản nhập khẩu khác để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tận dụng tối đa công suất sản xuất và nguồn cung cấp các sản phẩm thủy sản đông lạnh.

Mặc dù quy mô vẫn còn nhỏ, HSC tin rằng VHC có thể mở rộng nhanh chóng các mảng kinh doanh trên nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Trên thực tế, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của ban lãnh đạo trong việc tìm kiếm thêm nguồn doanh thu nhằm đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn.

VHC đặt mục tiêu FeedOne đóng góp 10-20% lợi nhuận thuần năm 2023

FeedOne là công ty con trong lĩnh vực thức ăn thủy sản do VHC nắm 75% cổ phần. Công ty này bắt đầu sản xuất thương mại vào năm 2022 và VHC đặt mục tiêu FeedOne sẽ đóng góp 10-20% (100-200 tỷ đồng) lợi nhuận thuần trong năm 2023, sát với ước tính của HSC. Mảng kinh doanh này giúp hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm cá tra của VHC, từ thức ăn, con giống, nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu.

FeedOne hoạt động gần như độc lập và cung cấp thức ăn cho hoạt động nuôi trồng của VHC (luôn là ưu tiên hàng đầu) nhưng tùy tình hình thị trường cũng sẽ bán ra bên ngoài nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Hoạt động R&D của FeedOne được phối hợp chặt chẽ với hoạt động nuôi trồng để điều chỉnh công thức thức ăn nhằm giúp cá phát triển tốt trong mỗi giai đoạn trong quá trình nuôi.

Mặt khác, VHC coi FeedOne là một trong những nhà cung cấp của mình và linh hoạt trong việc mua thức ăn thủy sản nhằm tối ưu hóa lợi nhuận hoạt động nuôi trồng.

Nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 6

Nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc (TNG) do VHC nắm 90% cổ phần. VHC đặt mục tiêu đưa nhà máy đi vào hoạt động thương mại vào tháng 6, từ đó giúp đa đạng hóa nguồn thu cho toàn bộ tập đoàn bên cạnh nguồn thu cốt lõi là cá tra. Sản phẩm của nhà máy là rau củ đông lạnh, sấy khô và sấy lạnh (nhằm tận dụng kênh phân phối có sẵn của VHC) và có thể hoạt động hết công suất vào cuối năm 2023.

Ban lãnh đạo VHC tin rằng TNG có tiềm năng và dự địa phát triển rất lớn. Công ty cũng kỳ vọng TNG sẽ đạt điểm hòa vốn trong năm 2023 mặc dù chỉ mới hoạt động trong nửa năm và sớm hơn so với dự đoán của HSC là năm sau.

Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với VHC và giá mục tiêu dựa trên phương pháp DCF là 65.700đ (tiềm năng tăng giá 8%). Hiện VHC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 8,9 lần; cao hơn so với bình quân từ tháng 1/2019 ở mức 8 lần.

Chúng tôi duy trì dự báo với lợi nhuận thuần giảm 39% còn 1,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 – cao hơn 20% so với kế hoạch của Công ty – và tăng trưởng 12,8% đạt 2,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024.