Cổ phiếu CTG: KQKD Q3/2021: Sự quan tâm vẫn nằm ở chất lượng tài sản

Nguồn: HSC

KQKD Q3/2021: Sự quan tâm vẫn nằm ở chất lượng tài sản

 

Cổ phiếu Vietinbank

 

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q3/2021 tăng nhẹ 5,3% đạt 2.460 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần 9 tháng đạt 11.172 tỷ đồng (tăng 34,2%), thấp hơn kỳ vọng và đạt 63% dự báo của HSC cho cả năm 2021.

Tín dụng (tăng 0,8% so với quý trước và tăng 6,3% so với đầu năm) tăng trưởng khiêm tốn trong khi tỷ lệ NIM (giảm 13 điểm cơ bản so với quý trước) tiếp tục giảm vì lợi suất cho vay giảm.

Nợ xấu (tăng 25% so với quý trước) tiếp tục tăng mặc dù nợ nhóm 5 giảm (giảm 71,2% so với quý trước). Chất lượng tài sản nói chung vẫn là vấn đề cần lưu tâm.

HSC đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị sau khi CTG công bố KQKD Q3/2021 thấp hơn kỳ vọng.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2021

CTG đã công bố KQKD Q3/2021 kém hơn kỳ vọng với lợi nhuận thuần tăng nhẹ 5,3% so với cùng kỳ đạt 2.460 tỷ đồng. Kết quả Q3/2021 đạt được với tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng khiêm tốn (tăng 6,5% so với cùng kỳ) và hiệu quả hoạt động cải thiện.

Trái lại, chi phí dự phòng tiếp tục tăng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận thuần đạt 11.172 tỷ đồng (tăng 34,2% so với cùng kỳ), mới chỉ đạt 63% dự báo cho cả năm của HSC.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong Q3/2021

Tổng tín dụng Q3/2021 tăng 6,3% so với đầu năm (tăng 0,8% so với quý trước) đạt 1.092,8 triệu tỷ đồng; thấp hơn tăng trưởng tín dụng của ngành là 7,2% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 0,7% so với quý trước (tăng 6,8% so với đầu năm) đạt 1.084,6 triệu tỷ đồng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 2,1% so với quý trước (giảm 33% so với đầu năm) đạt 8.170 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 8,3% so với đầu năm (tăng 3,2% so với quý trước) đạt 1.072,9 triệu tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn trong kỳ tăng 7,5% so với quý trước (tăng 7% so với đầu năm), theo đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt 19,3% (tăng từ 18,7% tại thời điểm cuối Q2/2021). HSC thấy rằng tiền gửi của Kho bạc nhà nước tiếp tục giảm 63% so với đầu năm xuống còn 15.676 tỷ đồng sau khi Thông tư 58 quy định về tiền gửi của Kho bạc nhà nước tại các NHTM được ban hành.

Tỷ lệ NIM tiếp tục giảm vì lợi suất cho vay giảm

Tỷ lệ NIM Q3/2021 giảm quý thứ 2 liên tiếp, giảm 13 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 19 điểm cơ bản so với đầu năm) xuống còn 3,17%. Mặc dù chi phí huy động bằng quý trước (giảm 88 điểm cơ bản so với đầu năm) là 3,3% nhưng lợi suất gộp giảm 14 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 63 điểm cơ bản so với đầu năm) xuống còn 6,38%. Điều này là vì CTG triển khai các gói cho vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lãi dự thu (phải hạch toán ngoại bảng) từ các khoản vay tái cơ cấu tăng.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng khiêm tốn, tăng 8,7% so với cùng kỳ đạt 9.872 tỷ đồng (giảm 9,3% so với quý trước) trong Q3/2021 và đạt 31.393 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cùng kỳ) trong 9 tháng đầu năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi vẫn khả quan

Tổng thu nhập ngoài lãi Q3/2021 giảm 2% so với cùng kỳ còn 2.384 tỷ đồng, chủ yếu vì thu nhập từ thu hồi nợ xấu (giảm 38,5% so với cùng kỳ) giảm từ nền cao của năm ngoái. Lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 9,3% so với cùng kỳ) và lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (tăng 4,4% so với cùng kỳ) vẫn khả quan bất chấp dịch Covid-19.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 7.869 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng khá và thu nhập từ thu hồi nợ xấu đạt cao (nhờ một khoản thu nhập không thường xuyên trong Q2/2021).

Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt

Tổng chi phí hoạt động Q3/2021 giảm 2,7% so với cùng kỳ còn 3.647 tỷ đồng, theo đó tổng chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 là 11.346 tỷ đồng (tăng 9,6% so với cùng kỳ). Theo đó, hệ số CIR 9 tháng đầu năm 2021 giảm xuống còn 28,9% từ 31,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 nhờ hiệu quả hoạt động được nâng cao.

Bức tranh trái chiều về chất lượng tài sản

Tổng nợ xấu Q3/2021 tăng 25% so với quý trước (tăng 90% so với đầu năm) lên 18.097 tỷ đồng. Trong khi điểm tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 5 giảm đáng kể, giảm 71,2% so với quý trước còn 3.543 tỷ đồng (giảm 41% so với đầu năm), thì cả tỷ lệ nợ nhóm 3 (tăng 201% so với quý trước) và tỷ lệ nợ nhóm 4 (tăng 859% so với quý trước) đều tăng mạnh trong kỳ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 1,67% vào cuối Q3/2021 (từ 1,34% vào thời điểm cuối Q2/2021) trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 0,45% (từ 0,39% tại thời điểm cuối Q2/2021). Chi phí dự phòng Q3/2021 tăng 14,2% so với cùng kỳ lên 5.547 tỷ đồng nhưng giảm 22% so với quý trước. HSC tin rằng CTG tiếp tục trích lập chi phí dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu trong kỳ. Tóm lại, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2021 là 14.004 tỷ đồng (tăng 22,2% so với cùng kỳ).

Chi phí tín dụng theo năm trong 9 tháng đầu năm 2021 là 1,78%; cao hơn dự báo hiện tại của HSC là 1,32%. Hệ số LLR giảm về 119% từ 132% tại thời điểm cuối năm 2020. HSC thấy rằng tỷ lệ nợ nhóm 5 giảm, nhiều khả năng là vì CTG xóa 2.795 tỷ đồng nợ xấu (bằng 0,25% dư nợ cho vay) và phân loại lại khoảng 6.000 tỷ đồng nợ nhóm 5 thành nợ nhóm 4.

HSC đang xem xét lại giá mục tiêu và dự báo

Chúng tôi đang xem xét lại dự báo và giá mục tiêu sau khi CTG công bố KQKD Q3/2021.