Nguồn: VCSC
MWG đặt mục tiêu BHX và chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ có lợi nhuận vào trước cuối năm 2022
Tăng trưởng doanh thu sơ bộ 7 tháng đầu năm 2022 đạt 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của MWG tăng 14% YoY đạt 81,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 53% dự báo cả năm của chúng tôi, tương ứng tổng doanh thu tháng 7/2022 đạt 11 nghìn tỷ đồng (+16% YoY). Tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX tăng mạnh 63% YoY đạt 8,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2022 từ mức cơ sở thấp trong tháng 7/2021 khi biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng doanh số hàng công nghệ và hàng điện máy. Cũng trong tháng 7/2021, việc người tiêu dùng tích trữ hàng hoá thiết yếu đã giúp doanh số của BHX tăng mạnh. Do đó, doanh thu của BHX trong tháng 7/2022 đã giảm 45% YoY đạt 2,4 nghìn tỷ đồng từ mức cơ sở cao. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX và doanh thu của BHX đạt lần lượt 65,3 nghìn tỷ đồng (+21% YoY) và 15,2 nghìn tỷ đồng (-14% YoY), hoàn thành 56% và 50% dự báo cả năm 2022 tương ứng của chúng tôi.
Quá trình tái cơ cấu được triển khai từ tháng 4/2022 tiếp tục có tác động tích cực đối với doanh thu/cửa hàng của BHX. Theo ban lãnh đạo, sản lượng bán hàng và lượng khách đến BHX trong quý 2/2022 lần lượt tăng khoảng 15%-20% và 20%-25% so với quý 1/2022 (trước khi thực hiện tái cơ cấu). Mặc dù tiến hành thanh lý để đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả và thực hiện các hoạt động khuyến mãi, BHX vẫn duy trì được biên lợi nhuận gộp ở mức 25% trong quý 2/2022 (tương đương mức biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2022) nhờ tỷ lệ hao hụt thấp hơn do BHX đã đầu tư thêm vào mảng phân tích dữ liệu để tối ưu hoá khả năng dự báo nhu cầu. Đáng chú ý, doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng của BHX trong tháng 7/2022 đạt khoảng 1,3 tỷ đồng (+11% so với tháng trước (MoM)), cao hơn 39% so với con số trong quý 1/2022, theo ước tính của chúng tôi. Tính đến tháng 7/2022, số lượng cửa hàng của BHX đã giảm 405 cửa hàng còn 1.735 cửa hàng kể từ mức đỉnh vào tháng 4/2022. Theo ban lãnh đạo, BHX đã hoàn thành quá trình tái cơ cấu với việc cải tạo khoảng 1.500 cửa hàng và đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong giai đoạn tháng 4-7/2022. Trong 6 tháng cuối năm 2022, ban lãnh đạo lên kế hoạch tập trung vào (1) điều chỉnh tự động hoá các hoạt động back-end (dự báo, đặt hàng và phân bổ, điều chỉnh phân loại sản phẩm) để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động và (2) đẩy mạnh mảng BHX online đi kèm cùng việc có lời. Do đó, ban lãnh đạo kỳ vọng BHX sẽ (1) đạt điểm hoà vốn về lợi nhuận ròng vào cuối năm 2022 và (2) tiếp tục mở rộng sau năm 2022. Ngoài ra, ban lãnh đạo kỳ vọng BHX sẽ hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ vào quý 1/2023.
Tăng trưởng doanh thu của TGDĐ tiếp tục được dẫn dắt nhờ chuỗi cửa hàng TopZone, trong khi tăng trưởng của ĐMX vẫn còn thấp. Nhờ tích cực mở rộng chuỗi cửa hàng TopZone, doanh thu các sản phẩm Apple của MWG đạt 325 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022, hoàn thành 43% mục tiêu năm 2022 của MWG là 750 triệu USD (+67% YoY) và chiếm 39% doanh thu của TGDĐ trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ mức 33% trong năm 2021). Ban lãnh đạo dự kiến mở thêm 50 cửa hàng TopZone trong những tháng cuối năm để tận dụng sự kiện mở bán iPhone 14. Tuy nhiên, doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng trong quý 2/2022 giảm còn khoảng 4-5 tỷ đồng từ mức 6-8 tỷ đồng trong quý 1/2022 do những cửa hàng mới mở nằm ở các khu vực ngoài trung tâm với doanh thu hàng tháng/cửa hàng thấp hơn so với các thành phố lớn. Ban lãnh đạo duy trì kế hoạch doanh thu đạt 1 tỷ USD từ các sản phẩm Apple trong năm 2023. Đối với ĐMX, ban lãnh đạo cho biết KQKD quý 2/2022 chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do mảng kinh doanh máy lạnh tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, ĐMX tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhờ mở rộng chuỗi cửa hàng ĐMX supermini (siêu nhỏ) với doanh thu hàng tháng/cửa hàng ổn định khoảng 1 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng doanh số bán máy lạnh thấp trong quý 2/2022 là do mùa hè năm nay không nóng như trong năm 2021 và mùa mưa đến sớm hơn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng sức mua của người tiêu dùng yếu đã ảnh hưởng đến thị trường hàng điện máy khi cơ sở khách hàng của mảng này chủ yếu là khách hàng phổ thông. Theo công ty nghiên cứu thị trường Đức Gfk, tăng trưởng giá trị của thị trường điện máy Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức dưới 5% và chủ yếu được dẫn dắt bởi tỷ lệ tăng trưởng 2 chữ số cao của giá bán trong khi sản lượng bán giảm. Ban lãnh đạo dự báo sức mua của người tiêu dùng phổ thông sẽ tiếp tục kém tích cực cho đến tháng 11/2022 khi sức mua phục hồi do dịp Tết Nguyên đán đến sớm trong năm 2023 sẽ kích cầu mua sắm. Cuối cùng, ban lãnh đạo vẫn duy trì kế hoạch tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX trong năm 2022.
Doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang trở lại bình thường từ mức đỉnh trong quý 1/2022. Trong quý 2/2022, doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng đạt khoảng 500-550 triệu đồng đối với cửa hàng độc lập và 350-400 triệu đồng đối với cửa hàng nằm cạnh BHX, giảm 20%-30% so với mức đỉnh trong quý 1/2022. Ngoài việc sức mua người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ thấp do dịch COVID-19 giảm dần, các cửa hàng độc lập mới mở trong quý 2/2022 chủ yếu nằm ở các khu vực ngoại thành nơi có sức mua thấp hơn so với các thành phố lớn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn được duy trì trên 20% trong 6 tháng đầu năm 2022. An Khang hiện tập trung vào cung cấp đầy đủ các loại thuốc, chiếm 50% doanh thu, trong khi thực phẩm chức năng chiếm 25% và phần còn lại đến từ các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh khác (FMCG). Ngoài ra, ban lãnh đạo duy trì mục tiêu tăng số lượng cửa hàng từ 500 cửa hàng vào cuối tháng 7/2022 lên 800 cửa hàng vào cuối năm 2022 và đưa chuỗi nhà thuốc An Khang đạt điểm hoà vốn vào cuối năm 2022 với doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng đạt 500 triệu đồng và biên lợi nhuận gộp trên 20%.