Dầu Việt Nam (OIL): Báo cáo cập nhật cổ phiếu

Nguồn: PSI

Báo cáo cập nhật cổ phiếu

 

OIL

 

Kết quả kinh doanh 

Sự khác biệt của biên lợi nhuận đến từ việc ghi nhận cách hạch toán hàng tồn kho của 2 doanh nghiệp.

PVOil chọn cách hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền, đem lại đường biên ổn định hơn so với PLX lựa chọn phương pháp FIFO, giá ghi nhận sẽ biến động lớn hơn so với phương pháp bình quân gia quyền khi giá xăng tăng nhanh hay giảm mạnh. Trong quý 2, PVOil ghi nhận lãi gộp 1,428 tỷ đồng (+ 72.6% yoy), PLX lại giảm 43.2% so với cùng kỳ, đạt 2,402 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế PLX ghi nhận mức âm 196 tỷ đồng do công ty mở quỹ dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1330 tỷ.

Quý 2 năm nay doanh thu thuần PVOil đạt 30,414 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế bán niên đạt 53,703 tỷ đồng (+113% yoy).

Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp quý chỉ ghi nhận mức tăng 73% so với cùng kỳ, đạt 1,428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 72% so với cùng kỳ, đạt gần 510 tỷ đồng bất chấp các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều gia tăng đáng kể.

Năm 2022, công ty đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất là 45,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch năm, công ty đã vượt 19% mục tiêu doanh thu và vượt 98% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Đáng chú ý, kết thúc quý 2, hàng tồn kho tăng lên 5,343 tỷ đồng, tăng hơn 2,764 tỷ đồng so với số dư đầu kỳ; khoản phải thu khác cũng có sự tăng đột biến khi khoản ủy thác dịch vụ xuất khẩu dầu thô ghi nhận 6,498 tỷ đồng, tăng hơn 3,000 tỷ so với đầu năm. Điều này được lí giải trong 06 tháng vừa qua, giá dầu Brent tăng mạnh, trung bình ở mức 108 USD/thùng (+67% yoy). Nguồn cung dầu đang đối mặt với sự sụt giảm bởi chiến tranh Nga-Ukraine, trong khi nhu cầu lại tăng mạnh khi các quốc gia đồng loạt mở cửa nền kinh tế dẫn đến tình trạng dầu liên tục đạt đỉnh.

Mục tiêu lớn nhất của PVOil trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm nay là gia tăng thị phần bán lẻ xăng dầu lên mức 35 % vào 2025 thông qua các hoạt động M&A. Tuy nhiên, với miếng bánh thị phần 90% thuộc về các ông lớn như Petrolimex, MIPEC, SaiGon Petro, Thanh Lễ và chỉ có 10% còn lại thuộc về các xí nghiệp xăng dầu nhỏ lẻ, kế hoạch tăng từ 25% lên 35% sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022

Chúng tôi dự phóng doanh thu PVOil đạt 77,736 tỷ đồng (+ 34.41% yoy), lợi nhuận gộp đạt 4,189 tỷ đồng (+ 31.81% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,074 tỷ đồng (+39.02% yoy) dựa trên các giả định (1) Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhờ giá bán trung bình cao hơn các năm trước, (2) tổng lượng tiêu thụ xăng dầu tăng nhờ nền kinh tế hồi phục trở lại sau đại dịch.

Như vậy, doanh thu 2 quý cuối năm dự báo sẽ đạt 24,033 tỷ đồng (- 4.6% yoy), lợi nhuận gộp đạt 1,717 tỷ đồng (+ 6.9% yoy) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt khoảng 281 tỷ đồng (- 39.6% yoy). Doanh thu và lợi nhuận dự báo giảm trong quý tới do những e ngại về biến động giá dầu giảm.

Trong năm nay, công ty đã công bố thông tin thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (PTT), số tiền thu được từ đợt chào bán khoảng 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo PVOil cho biết doanh nghiệp sẽ có kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu OIL từ sàn UPCoM sang sàn HoSE ngay khi đáp ứng đủ các điều kiện chuyển sàn: tỷ lệ ROE tối thiểu 5%, không có lỗ lũy kế và loại bỏ các điểm trừ trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, công ty hiện tại đang vướng phải những liên quan tới nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vấn đề thoái vốn PETEC và một số thủ tục đất đai liên quan đến các công ty thành viên.

Định giá và khuyến nghị

Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu OIL, giá mục tiêu 1 năm là 14,000 đồng/cp. Khuyến nghị này dựa trên những đánh giá cẩn trọng dựa trên các nhân tố ảnh hưởng tới KQKD của OIL: (1) Giá dầu biến động mạnh do chiến tranh Nga-Ukraine và sự hoạt động trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế các nước (2) Chính sách hàng tồn kho xăng dầu trong giai đoạn biến động giá mạnh. (3) Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động chưa ổn định.