Dệt may Hòa Thọ (HTG): Triển vọng khả quan cho thị trường dệt may trong năm 2022

Nguồn: VCSC

Triển vọng khả quan cho thị trường dệt may trong năm 2022

 

HTG

 

  • Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) là doanh nghiệp dệt may quy mô lớn tại miền Trung với 11.000 công nhân và 14 nhà máy sợi & may ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
  • Gần 71% doanh thu thuần của HTG trong năm 2021 đến từ sản xuất hàng may mặc. Mảng sợi đóng góp 29% còn lại nhưng chiếm tới 49% lợi nhuận gộp.
  • LNST sau lợi ích CĐTS tăng gần 190% trong quý 1/2022 do nhu cầu hàng dệt may toàn cầu đang dần phục hồi cùng với lượng tồn kho nguyên vật liệu giá rẻ.
  • HTG đặt kế hoạch LNTT đạt 216 tỷ đồng (-2,5% YoY) trong năm 2022, chúng tôi cho rằng mục tiêu này tương đối thận trọng, với KQKD quý 1/2022 ấn tượng của công ty và triển vọng tích cực của chúng tôi đối với ngành dệt may vào năm 2022.
  • Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của HTG sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu hàng dệt may phục hồi trên toàn cầu và sản xuất trong nước ổn định sau dịch COVID-19. Ngoài ra, với sự chuyển dịch của các nhà sản xuất trên thế giới ra khỏi Trung Quốc, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (bao gồm cả HTG) trong việc xuất khẩu.
  • HTG hiện đang giao dịch với P/E trượt là 6,1 lần - chiết khấu 42% so với mức trung vị của một số công ty cùng ngành là 10,5 lần.
  • HTG thông báo sẽ trả cổ tức năm 2022 ở mức 2.000 đồng/CP bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
  • Rủi ro chính: (1) Ùn tắc vận chuyển kéo dài; (2) sự biến động của giá nguyên vật liệu.

HTG đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối 6 tháng đầu năm 2022. Do các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang dần mở cửa trở lại sau dịch COVID-19, nhu cầu hàng dệt may toàn cầu đã phục hồi mạnh. Theo ban lãnh đạo của HTG, 100% công nhân của công ty đã trở lại sản xuất sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Do đó, HTG hiện có thể nhận các đơn đặt hàng mới từ các đối tác quốc tế với một số hợp đồng đã được ký kết đến hết tháng 8/2022. Với triển vọng tích cực của ngành dệt may, ban lãnh đạo cho rằng giá trị xuất khẩu của HTG sẽ quay về mức trước dịch COVID trong 6 tháng cuối năm 2022.

Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận của HTG sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022 so với mức cơ sở cao. Giá bông nguyên liệu toàn cầu đã tăng mạnh gần 40% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2022 và đang ở mức cao nhất trong 11 năm qua do mất cân bằng cung cầu. Nhờ tích lũy được một lượng lớn tồn kho bông giá thấp trong quý 4/2021, biên lợi nhuận của HTG đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo biên lợi nhuận của HTG sẽ duy trì cho đến quý 2/2022 và giảm trong nửa cuối năm từ mức cơ sở cao khi hết tồn kho bông giá thấp, chi phí đầu vào bắt kịp giá sản phẩm hoặc giá sản phẩm giảm. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, HTG có tổng hàng tồn kho trị giá 567 tỷ đồng (-34% QoQ).