Dệt May: Năm 2023 nhiều thách thức

Nguồn: KIS

Năm 2023 nhiều thách thức

 

 

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng âm trong tháng 12

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong tháng 12 ghi nhận 2.9 tỷ USD, giảm 19.7% n/n nhưng tăng 0.3% t/t.

Trong tháng 12, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ (thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam) ghi nhận 1.46 tỷ USD, giảm 30.1% n/n, nhưng tăng 4.7% t/t, đóng góp 43.5% tổng trị giá xuất khẩu dệt may Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chính như EU, Nhật Bản, và Trung Quốc đều có mức tăng trưởng âm so với tháng 11, lần lượt ghi nhận 348 triệu USD (-14.8% n/n/-7.4% t/t), 380 triệu USD (+12.9% n/n/-4.0% t/t) và 86 triệu USD (-35.8% n/n/-21.6% t/t). Trong khi đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc lại đạt kết quả khả quan hơn khi đạt 258 triệu USD (+7.7% n/n, 34.8% t/t).

Xuất khẩu xơ sợi vẫn kém tích cực

Trị giá xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam giảm 39.1% n/n nhưng tăng 6.8% t/t, đạt 325 triệu USD trong tháng 12.

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu xơ sợi lớn nhất với 142 triệu USD trị giá hàng nhập trong tháng 12 (-43.8% n/n/-1.9% t/t), chiếm 43.6% tổng giá trị xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam. Số liệu xuất khẩu xơ sợi sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 12 ghi nhận lần lượt là 10.9 triệu USD (-16.1% n/n/+1.9% t/t), 4.1 triệu USD (-16.3% n/n/+11.9% t/t), 9.2 triệu USD (-0.1% n/n/+6.4% t/t) và 38 triệu USD (-44.6% n/n/+19.9% t/t).

Tháng 12 ghi nhận giá xuất khẩu xơ sợi bình quân của Việt Nam tiếp tục lao dốc, cụ thể giảm 43.4% n/n và 4.2% t/t xuống 2,445 USD/tấn.

Trung Quốc đã chính thức mở cửa biên giới và dỡ bỏ kiểm soát COVID từ ngày 8/1/2023. Chúng tôi cho rằng các công ty sợi có thể hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu xơ sợi trong năm 2022 của Việt Nam.

Năm 2023 nhiều thách thức

Nhìn chung, xuất khẩu hàng may mặc trong 2022 tăng trưởng 14.5% n/n, đạt gần 37.5 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu xơ sợi lại có kết quả không mấy khả quan khi chứng kiến mức tăng trưởng âm 16% n/n, giảm xuống chỉ còn 4.7 tỷ USD.

2023F hứa hẹn sẽ là một năm thử thách cho ngành dệt may do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm may mặc và mức tồn kho cao ở các nhà bán lẻ lớn nước ngoài (Nike và Adidas có mức hàng tồn kho tăng lần lượt là 43% n/n và 35% n/n dựa theo báo cáo quý gần nhất). Cụ thể, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đơn đặt hàng trước cho 1Q23F đã giảm 25-27% n/n, báo hiệu một năm nhiều khó khăn phía trước.